Agribank muốn thêm vốn, ngân hàng cần pháp lý cho xử lý nợ xấu

Nợ xấu tiếp tục tiềm ẩn rủi ro

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đánh giá, năm 2024, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt nhiều kết quả tích cực.

Đến nay, vốn điều lệ toàn hệ thống tiếp tục tăng cao hơn so với cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt ngưỡng 12,01%.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30%, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi đạt khoảng 80%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có vốn nhà nước được tăng vốn điều lệ đủ để bảo đảm an toàn và đầu tư tín dụng cho nền kinh tế.

Các TCTD cũng chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ban hành nhiều cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng...

Nhưng sang năm 2025, ông Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận, ngành Ngân hàng còn đối diện nhiều thách thức.

Đó là, các TCTD phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ hết hiệu lực.

Công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng.

Các TCTD phải đối diện với tình trạng tấn công mạng, lộ, lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi...

Ngoài ra, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều vướng mắc do quy định pháp luật giữa các bộ, ban, ngành chưa thống nhất, nhất là về nhà ở xã hội...

Từ những khó khăn trên, đại diện hiệp hội của các ngân hàng đề xuất Chính phủ cho tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu.

Cũng như chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thúc đẩy thị trường vốn phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả.

Đồng thời sớm phê duyệt cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai công nghệ tài chính, ngân hàng mở...

Agribank muốn bổ sung vốn tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm

NHNN cho biết, trong năm 2025, sẽ tiếp tục điều hành đổi mới và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Cũng như đảm bảo các ngân hàng phân bổ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN đề nghị các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, tiếp tục công khai lãi suất cho vay...

Với riêng từng ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, dự kiến đến hết năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng tăng 7,9% so với năm 2023.

Dư nợ đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023; nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,6%...

Năm 2025, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp mạng lưới phù hợp mục tiêu Phương án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi nhánh.

Tuy nhiên, về bổ sung vốn điều lệ, ông Phạm Toàn Vượng cho hay, năm 2023-2024, Agribank đã được Chính phủ quan tâm cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ.

Tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu tín dụng ngày càng cao, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn khi áp dụng Basel II và tiến tới là Basel III.

Do đó, lãnh đạo Agribank đề nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.

Cũng gửi kiến nghị tới cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng.

Song phải linh hoạt để thích nghi với bối cảnh có nhiều thay đổi, nhằm duy trì được sự cân bằng tối ưu giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá và lãi suất.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị xây dựng chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả.

Theo ông Tú, Chính phủ cần sớm ban hành quy định về phân loại và phát hiện dự án xanh, trong đó cần có sự tương đồng giữa các tiêu chí của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.

Về phía ngân hàng tư nhân, là ngân hàng vừa tiếp nhận 1 ngân hàng chuyển giao bắt buộc, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mong muốn NHNN báo cáo Chính phủ thúc đẩy tiến độ các nội dung theo Phương án chuyển giao bắt buộc.

Cũng như việc triển khai các quy định tại Luật Các TCTD 2024 đối với MB và Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam hiện đại - MBV (OceanBank đổi tên).

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn