Ai đang sở hữu nhiều cổ phiếu nhất tại FPT?
Kết phiên giao dịch ngày 16-4, VN-Index giảm 17 điểm, lùi về mức 1.210 điểm với 319 mã giảm, trong đó gồm 4 mã giảm sàn và 153 mã tăng giá.
HNX-Index giảm 0,8 điểm, còn 209 điểm với 22 mã giảm điểm và 8 mã tăng giá.
Rổ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 mất hơn 17 điểm, xuống mức 1.293 điểm với 8 mã tăng giá và 22 mã giảm giá, trong đó đáng chú ý có một mã 'nằm sàn' là cổ phiếu FPT với hơn 18 triệu cổ phiếu khớp lệnh và còn dư bán giá sàn 1 triệu đơn vị,
Đây là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu FPT. Hiện cổ phiếu này đóng cửa tại 107.900 đồng/cổ phiếu, giảm gần 30% so với đầu năm 2025.
Ngược với sự lao dốc của cổ phiếu FPT, cổ phiếu FOX của Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) tăng 4%, lên 95.900 đồng/cổ phiếu.
Tại FPT Telecom, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 247 triệu cổ phiếu, với tỉ lệ sở hữu là trên 50%, xếp sau là FPT khi đang nắm giữ đến 45,66% vốn, tương đương hơn 224 triệu đơn vị.

Cổ phiếu FPT hiện dư bán giá sàn hơn 1 triệu đơn vị Nguồn: Fireant
Liên quan đến FPT, theo báo cáo thường niên năm 2024, trong cơ cấu cổ đông, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 102 triệu cổ phiếu FPT (tương đương 6,94% vốn điều lệ FPT) và xếp sau là Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 83,9 triệu đơn vị (5,71% vốn).
Mới đây, ngày 15-4, tập đoàn này đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã chia sẻ về chiến lược phát triển 3 năm tới (2025-2027).
Trong đó, tập trung vào 5 công nghệ mà ông đánh giá sẽ tái định hình, tái sắp xếp trật tự quyền lực thế giới là "AI - Bán - Xe - Số - Xanh (Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ ô tô số, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh), trong đó AI đóng vai trò trọng tâm và dẫn dắt.
FPT đang theo đuổi triết lý bình dân AI, với 2 mục tiêu là toàn dân học AI và toàn dân làm AI. Mỗi người FPT có trách nhiệm làm ra trợ lý AI cho chính mình.
Trong năm 2025, FPT đặt mục tiêu kinh doanh năm 2025 cao kỷ lục với doanh thu đạt 75.400 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỉ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024.
Về chính sách chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2024, FPT sẽ chia cổ tức 20% bằng tiền mặt, trong đó 10% đã trả trong năm 2024 và dự kiến trả 10% còn lại vào quý II/2025; chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được thêm 3 cổ phiếu mới (tỉ lệ 20:3). Năm 2025, FPT sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 20%.
Đánh giá về tình hình kinh doanh năm 2025, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết sẽ là một năm khó khăn ngút trời và cơ hội không thể tưởng tượng được. Khó khăn đến từ các chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự thay đổi chính sách chóng mặt khiến doanh nghiệp không kịp xoay sở, thích ứng. Cơ hội đến từ những thay đổi mang tính cách mạng trong nội tại quốc gia hướng tới kỷ nguyên vươn mình.
“Trong quá khứ, chúng ta đã phải đối mặt với những thế lực mạnh không tưởng được và vượt qua. Lần này tôi cảm nhận cũng vậy, chúng ta sẽ vượt qua và vươn lên sánh ngang cùng các nước tiên tiến, phát triển.
Chúng ta đi lên bằng con đường nào. Khoa học - Công nghệ - Đổi mới sáng tạo - Chuyển đổi số. Với sức mạnh công nghệ như vậy chúng ta có thể thành những tổ chức cạnh tranh nhất”- Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Xem thêm tại cafef.vn