Âm vốn chủ sở hữu, PTE giải trình và đưa ra phương án khắc phục cổ phiếu bị hạn chế giao dịch thế nào?
CTCP Xi măng Phú Thọ (UPCoM: PTE) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình và đưa ra phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.
Âm vốn chủ sở hữu, PTE giải trình và đưa ra phương án khắc phục cổ phiếu bị hạn chế giao dịch thế nào?
CTCP Xi măng Phú Thọ (UPCoM: PTE) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình và đưa ra phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.
Nguyên nhân âm vốn chủ sở hữu
PTE cho biết ngày 18/08/2017, Công ty đã có công văn giải trình và công bố thông tin gửi HNX giải trình các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch và phương án khắc phục sau khi đơn vị nộp BCTC tổng hợp 6 tháng đầu năm 2017 sau soát xét.
Ngày 20/04/2023, PTE tiếp tục có công văn giải trình và đưa ra phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch, cảnh báo gửi HNX sau khi Công ty gửi BCTC tổng hợp 2022 sau soát xét.
Cùng với đó, PTE cho rằng thách thức đối với ngành xi măng hiện rất lớn. Nguồn cung xi măng vượt xa nhu cầu thực tế. Cộng thêm cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm xi măng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như Xi măng Sông Thao (Vicem Hải Phòng), Xi măng Yên Bái, Xi măng Tân Quang… khiến việc tiêu thụ xi măng của PTE ngày càng giảm sút.
Điều này khiến doanh thu giảm, trong khi các chi phí cố định như chi phí khấu hao, chi phí bảo hiểm không giảm. Khủng hoảng kinh tế thế giới từ cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine làm giá nguyên nhiên vật liệu không ngừng tăng từ năm 2022 khiến chi phí sản xuất tăng cao và duy trì ảnh hưởng đến năm 2023 như: than tăng từ 2 triệu đồng đồng/tấn lên 3.03 triệu đồng/tấn; giá dầu diezen năm 2022 tăng 51% so với năm 2021, giá xăng dầu tăng cao dẫn đến chi phí vận chuyển năm 2022 cũng tăng thêm 20.22%...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu sử dụng xi măng xây dựng trong nước sụt giảm do nền kinh tế trong nước phục hồi chậm sau đại dịch, thị trường bất động sản đóng băng và chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực mặc dù Chính phủ đã có những chủ trương tháo gỡ. Thị trường xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam sụt giảm kỷ lục: Xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 15% so với cùng kỳ. Nguồn cung xi măng dư thừa, xuất khẩu sụt giảm, tiêu thụ nội địa giảm làm cho tình hình sản xuất kinh doanh của toàn ngành và PTE gặp nhiều khó khăn, gây nếu áp lực cạnh tranh gay gắt, nhiều công ty trong ngành đã phải tạm ngừng sản xuất từ 1-2 tháng, PTE phải ngừng sản xuất trong tháng 2/2023, thời gian còn lại phải sản xuất cầm chừng. Sản lượng sản xuất clinker và tiêu thụ xi măng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 34% công suất, bằng 72.3% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu giảm và không thể bù đắp được giá vốn cao. Hơn nữa, các khoản chi vẫn phát sinh, đặc biệt chi phí lãi vay rất lớn (riêng 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay mà Công ty phải chịu gần 17 tỷ đồng) khiến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ.
Trong 6 tháng đầu năm, sau soát xét BCTC giữa niên độ của kiểm toán độc lập, Công ty lỗ gần 24.25 tỷ đồng; lỗ lũy kế 407.42 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 277.57 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 6 tháng các năm gần đây của PTE |
Phương án khắc phục
Ban lãnh đạo PTE nhận thức rõ Công ty đang gặp khó khăn, đã và đang triển khai một số giải pháp như sau:
- Tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Công ty cũng đang hoàn thiện, siết chặt khung định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để hạ giá thành, đồng thời nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Xi măng Vĩnh Phú và phát triển thương hiệu mới Xi măng Thành Ba.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tại Công ty.
- Rà soát, đối chiếu và thu hồi công nợ cho từng tháng, từng quý nhằm thu hồi vốn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm tối đa chi phí do bị chiếm dụng vốn.
- Hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ và TM Quỳnh Anh nhằm đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nâng cao năng suất hệ thống lò nung và cải tạo trạm nghiền xi măng công suất 600,000 tấn xi măng/năm. Hiện, Công ty đang xúc tiến khởi công các hạng mục sau:
- Hệ thống lọc bụi thu hồi sản phẩm xi măng ( đã hoàn thành).
- Hệ thống kết chứa tro bay phụ gia xi măng) tăng tỷ lệ pha phụ gia xi măng ( đã hoàn thành).
- Hệ thống lọc bụi nâng cao hiệu quả sản xuất clinker (đã hoàn thành).
- Hệ thống đóng bao mới ( đang triển khai).
- Hệ thống máy nghiền trước nâng cho công suất máy nghiền xi măng 65 tấn/giờ hiện tại (đang triển khai).
- Làm việc với các ngân hàng để cơ cấu lại các khoản nợ, kéo dài thời gian cho vay, xóa lãi phạt để Công ty có thể ổn định sản xuất, giảm chi phí lãi vay.
Với những lý do trên, PTE đề nghị HNX xem xét chấp thuận giải trình và đưa cổ phiếu PTE ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch theo quy định.
Trước đó, ngày 18/08/2023, HNX thông báo đưa cổ phiếu PTE vào diện bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần) do vốn chủ sở hữu âm trong BCTC bán niên 2023 đã được soát xét. Đồng thời, PTE còn bị cảnh báo do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Hàn Đông