Ấn Độ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC Việt Nam

Ấn Độ chính thức khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) xuất khẩu từ Việt Nam. Thông tin này được công bố bởi Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, nhằm đáp ứng yêu cầu từ các nhà sản xuất thép hàng đầu như JSW Steel và Arcelor Mittal Nippon Steel.

Cuộc điều tra sẽ tập trung vào việc đánh giá hậu quả và nguy cơ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thép trong nước của Ấn Độ. Động thái này xuất phát từ lo ngại của các nhà sản xuất thép lớn trong nước, những người đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc tăng cường công suất sản xuất, rằng thép nhập khẩu giá rẻ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền và kế hoạch mở rộng sản xuất của họ.

Theo dự kiến, các biện pháp chống bán phá giá có thể được áp dụng trong vòng năm năm tới, với mức thuế dao động từ 0 đến 307,79 USD/tấn đối với thép Việt Nam. Đáng chú ý, Ấn Độ đã ra phán quyết áp thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép tương tự từ Việt Nam vào tháng 6/2024. Mức thuế chống bán phá giá mới sẽ là sự chênh lệch giữa mức thuế chống trợ cấp đã được xác định và mức thuế chống bán phá giá được áp dụng lần này.

Ấn Độ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC Việt Nam
Ấn Độ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC Việt Nam
Ảnh minh họa

Cuộc điều tra mới nhất được khởi xướng trong bối cảnh thị trường thép Ấn Độ đang suy giảm đáng kể, với mức giá chạm đáy thấp nhất trong ba năm do lượng nhập khẩu tăng cao và xuất khẩu giảm mạnh. Mặc dù là quốc gia sản xuất thép thô lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu thép ròng trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2024, và xu hướng này tiếp tục kéo dài trong những tháng tiếp theo. Lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Ấn Độ đã đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua vào tháng 4 và tháng 5 năm nay, theo số liệu tạm thời từ chính phủ nước này.

Tại Việt Nam, ngày 29/7 vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ sau khi nhận được yêu cầu từ Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Đến ngày 8/8, Bộ Công Thương thông báo Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC từ Việt Nam, Ai Cập, Ấn Độ và Nhật Bản nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Trong thông báo khởi xướng, EC đã cung cấp chi tiết về các nội dung liên quan đến các bên yêu cầu, hàng hóa bị điều tra, cáo buộc bán phá giá, và các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Đặc biệt, hai “ông lớn” ngành sản xuất và xuất khẩu thép của Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa, là những cái tên nằm trong danh sách bị khiếu nại, đây cũng là hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có khả năng sản xuất thép HRC.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn