‘Ẩn số’ của Viettel Global (VGI) - ‘Hắc mã’ tăng gần x3 trong 5 tháng đưa vốn hóa vượt xa Vingroup, Vinamilk, Hòa Phát, FPT
Trong khoảng 5 tháng, cổ phiếu VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đã tăng từ 24.600 đồng/cp lên 66.000 đồng/cp (+168,3%). Vốn hóa của công ty từ đó tăng thêm 125.022 tỷ đồng, đạt 200.892 tỷ đồng tại thời điểm kết phiên giao dịch ngày 3/5.
Hiện nay, trên 3 sàn chứng khoán là HSX, HNX và UPCoM, vốn hóa của Viettel Global chỉ đứng sau Vietcombank (516.991 tỷ đồng), BIDV (280.461 tỷ đồng), ACV (205.504 tỷ đồng) và vượt qua nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác như Vingroup (169.962 tỷ đồng), Vinamilk (137.101 tỷ đồng), Hòa Phát (166.594 tỷ đồng), FPT (159.889 tỷ đồng).
Nhìn lại kết quả kinh doanh
Viettel Global sở hữu nhiều thương hiệu viễn thông tại các nước trên thế giới |
Viettel Global được Tập đoàn Viettel thành lập năm 2007 với mục tiêu đầu tư ra các thị trường nước ngoài (Tập đoàn Viettel đang sở hữu 99,03% cổ phần). Sau hơn 15 năm hoạt động, vốn điều lệ của Viettel Global tăng từ 960 tỷ đồng lên 30.438 tỷ đồng, là nhà đầu tư viễn thông quốc tế lớn nhất Việt Nam, nằm trong top 30 công ty viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất thế giới.
Năm 2023, công ty mang về 28.182 tỷ đồng doanh thu hợp nhất (+19,4% YoY) và 1.647 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất (+6,9% YoY). Tổng số lượng khách hàng là 65 triệu người và có 6 thị trường giữ Top 1 thị phần là Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi, Haiti.
Doanh thu liên tục tăng trưởng qua các năm |
Kết thúc 3 tháng đầu năm 2024, Viettel Global mang về doanh thu thuần 7.907 tỷ đồng (+22% YoY) và lợi nhuận sau thuế 1.633 tỷ đồng (+175% YoY).
Trong quý I/2024, 5 thị trường đang đầu tư có mức tăng trưởng 2 con số là Lumitel tại Burundi (+29%), Unitel tại Lào (+24%), Movitel tại Mozambique (+22%), Natcom tại Haiti (+18%), Metfone tại Campuchia (+13%). Đây là mức tăng trưởng ấn tượng của một doanh nghiệp viễn thông trong bối cảnh thế giới gần như bão hòa về dịch vụ này.
‘Ẩn số’ của Viettel Global
Tại thời điểm ngày 31/3, quy mô tài sản của Viettel Global là 55.368 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến 26.695 tỷ đồng (chiếm 48,2%), các khoản phải thu ngắn hạn là 11.097 tỷ đồng (chiếm 20%).
Đặc biệt, công ty đang phải trích lập dự phòng nợ xấu lên đến 14.073 tỷ đồng gồm 5.336 tỷ đồng tại Công ty TNHH Telecom International Myanmar; 8.862 tỷ đồng tại Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L và nợ xấu khác.
Riêng năm 2023, nợ xấu trích lập trong chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 4.510 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản mục này, Viettel Global có thể lãi trước thuế gần 8.400 tỷ đồng.
Hơn 14.700 tỷ đồng nợ khó đòi đã trích lập ăn mòn lợi nhuận của công ty trong nhiều năm qua |
Khoản nợ xấu tại TNHH Telecom International Myanmar được trích lập do Myanmar gặp bất ổn chính trị khiến ban lãnh đạo đưa ra quyết định trên để dự phòng tổn thất khoản đầu tư và dự phòng nợ phải thu quá hạn thanh toán với công ty liên kết này. Tuy nhiên, đến nay nhà mạng Mytel vẫn đang phát triển tốt khi có 11,4 triệu người dùng, chiếm vị trí Top 1 với 37% thị phần.
Viettel Cameroon S.A.R.L là công ty con do Viettel Global sở hữu 70%, đây là đơn vị vận hành nhà mạng viễn thông Nexttel tại thị trường Cameroon. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, báo cáo tài chính của công ty này không được hợp nhất vào báo cáo của Viettel Global. Từ đó, kiểm toán viên không thu thập được số liệu nên chuyển sang khoản phải thu và yêu cầu trích lập dự phòng.
Phía Viettel Global cũng hạn chế cung cấp các thông tin liên quan đến nhà mạng Nexttel tại thị trường Cameroon.
Với việc đã trích lập đầy đủ, khoản nợ xấu trên có thể coi như là “của để dành” của Viettel Global trong thời gian tới, trong trường hợp công ty thu hồi được tài sản đã đầu tư.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn