Ấn tượng cổ phiếu công nghệ

Bệ phóng từ AI

Năm 2024 đánh dấu một năm tăng trưởng ngoạn mục của nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường Mỹ, nhờ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) và kỳ vọng về việc giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tính từ đầu năm, chỉ số thiên về công nghệ đã tăng hơn 33% và được dẫn dắt bởi dắt bởi nhóm cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn, bao gồm Apple, Nvidia, Alphabet - công ty mẹ của Google và gần đây là hãng xe điện Tesla.

Sau khi lao dốc mạnh vào đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động kinh tế toàn cầu đình trệ, chỉ số này đã hồi phục nhanh chóng khi Fed hạ lãi suất xuống gần 0% và Chính phủ Mỹ tung ra nhiều đợt kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Chỉ số Nasdaq trải qua đợt giảm mạnh vào năm 2022, mất 33% khi lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 40 năm và Fed buộc phải thực hiện hàng loạt đợt tăng lãi suất lớn. Tuy nhiên, lãi suất cao không dẫn đến suy thoái kinh tế như nhiều người dự đoán và chỉ số đã tăng khoảng 90% kể từ đó, một phần nhờ sự phấn khích ngày càng tăng về tiềm năng kinh doanh của AI.

Sau đổ vỡ của bóng bóng dotcom, thị trường xuất hiện một số đợt sóng khác liên quan tới nhóm cổ phiếu công nghệ, nhưng không đáng kể, cho tới khi AI ra đời, đặc biệt là sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022.

Cổ phiếu của Nvidia, công ty sản xuất ra loại chip được coi là “tiêu chuẩn vàng” của ngành, đã tăng hơn 1.100% so với mức đáy thiết lập vào tháng 10/2022. Mức tăng chóng mặt này đã giúp quy mô vốn hóa của Nvidia liên tục lập đỉnh mới và cạnh tranh ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới với Apple.

Làn sóng AI đã tạo ra một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành công nghệ châu Á, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn. Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, đã chứng kiến cổ phiếu của mình tăng khoảng 82% trong năm 2024. Tương tự, Foxconn (Hon Hai Precision Industry) - nhà cung cấp chính của Apple, cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 77%.

Không nằm ngoài xu thế chung, nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nổi sóng trong năm 2024. Theo dữ liệu từ nền tảng ứng dụng Simplize, năm 2024, trong khi chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng khoảng 12%, nhóm cổ phiếu công nghệ đã tăng khoảng 80%. Trong đó, nhóm viễn thông tăng gần 92%; nhóm phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khoảng 80%.

Đặc biệt, trong tháng 11, giữa bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính trên HOSE đều ghi nhận giảm điểm so với tháng trước đó thì cổ phiếu ngành công nghệ (VNIT) ghi nhận mức tăng 6,07%.

Cổ phiếu FPT ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 82% tính từ đầu năm 2024 sau mức tăng hơn 47% của năm 2023 và đang được giao dịch ở khoảng 150.000 đồng/cổ phiếu (tính đến phiên 23/12/2024), đưa vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam lên gần 221.070 tỷ đồng (khoảng 8,6 tỷ USD). Đây cũng chính là cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất đầu tư của các quỹ đầu tư.

Theo thống kê của Fmarket, kết thúc 3 quý đầu năm 2024, có tới 18 quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng 13,98% của chỉ số VN-Index; trong đó, 12 quỹ trong đó đạt lợi nhuận trên 20%. Hầu như các quỹ đầu tư đạt hiệu suất cao hơn đà tăng của VN-Index trong thời gian trên đều đang nắm giữ cổ phiếu FPT.

Tuy nhiên, mức tăng mạnh nhất phải kể đến VGI (Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel) với hơn 260% tính từ đầu năm. Cùng thời điểm, các cổ phiếu công nghệ khác cũng có mức tăng hai con số như CMG (CTCP Tập đoàn CMC) tăng hơn 26%, ELC (CTCP Công nghệ - Viễn thông ELCOM) tăng hơn 33%, CTR (Tổng CTCP Công trình Viettel) tăng hơn 42%...

Viết tiếp câu chuyện lạc quan

Những số liệu vĩ mô cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục tích cực. Không chỉ vậy, Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số toàn diện. Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhắm đến kinh tế số chiếm tỷ trọng 30% GDP của Việt Nam vào 2030. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek, Bain & Company, quy mô nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 36 tỷ USD năm 2024, tăng 16% so với năm trước và có thể tăng lên 90 - 200 tỷ USD vào năm 2030.

Ngoài ra, các xu hướng như 5G, Internet Vạn vật (IoT) cũng đang nhanh chóng được triển khai, giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ. Đồng thời, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và dòng vốn đầu tư quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm công nghệ lớn của khu vực

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhận định, thế giới đang bước vào giai đoạn lịch sử với nhiều biến đổi chưa từng thấy, từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị đến những đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có những cơ hội chưa từng có, với cuộc cách mạng mang tên “chuyển đổi số”. Hơn thế, Việt Nam có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới, với lực lượng ngành công nghệ mà nhiều nước mơ không có được.

“Không phải phải ngẫu nhiên CEO Nvidia - Jensen Huang chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình vào thời điểm này. Tôi tin rằng, vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, nhiều công ty khác sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Dương Quang Minh, chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, ngành công nghệ đang chứng kiến những bước tiến vượt bậc, mang đến nhiều thay đổi lớn lao cho nhiều lĩnh vực kinh tế. Nhu cầu AI tạo sinh (Generative AI) được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2025 nhờ sự thay đổi cách vận hành trong nhiều ngành nghề như sản xuất, tài chính, y tế và giáo dục và khả năng khai thác tối đa giá trị từ khối lượng dữ liệu khổng lồ, giúp tạo ra các mô hình dự đoán chính xác và cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu từng cá nhân…

Theo ông Minh, mặc dù triển vọng dài hạn của ngành công nghệ đầy hứa hẹn, cơ hội đầu tư trong ngắn hạn chưa thực sự rõ ràng do mức định giá cao. Các cổ phiếu như FPT, CMG, ELC đang giao dịch ở mức P/E cao so với mặt bằng chung, phản ánh kỳ vọng lớn từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư ngay lúc này có thể không hiệu quả do phần lớn tin tốt đã được phản ánh vào giá. Bởi vậy, khi thị trường chung biến động hoặc đối mặt với các yếu tố như lãi suất tăng, cổ phiếu công nghệ có thể chịu áp lực bán ra. Về dài hạn, FPT là lựa chọn hàng đầu nhờ năng lực vững chắc và khả năng dẫn đầu xu hướng AI tại Việt Nam.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán TPS cho rằng, sự mở rộng của thị trường công nghệ thông tin trong thời gian tới được thúc đẩy bởi các công nghệ mới nổi như AI, IoT và công nghệ chuỗi khối. Thời gian tới, ngành công nghệ thông tin và truyền thông sẽ được hưởng lợi khá lớn từ dòng vốn FDI. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty toàn cầu đang tìm kiếm đầu tư vào công nghệ thông tin do hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc+1, tăng trưởng kinh tế tích cực, chi phí lao động rẻ, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, theo báo cáo của JLL Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam (Data Center) hiện do các công ty viễn thông trong nước thống trị như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom và CMC Telecom, với sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu dịch vụ đám mây và phân tích dữ liệu lớn.

Trong một báo cáo về thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Savills cũng nhìn nhận, ngành trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 28 trung tâm dữ liệu tại ba miền, với tổng công suất đạt 45 MW. Nguồn cung lĩnh vực này tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia vẫn ít hơn Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore, dù dân số đông hơn khoảng 30 lần. Tại Việt Nam, dự báo những năm tới sẽ có sự bùng nổ về Data Center, với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) bình quân 10,8%/năm...

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn