Angimex (AGM) giải trình nguyên nhân cổ phiếu tăng trần liên tục

Angimex (AGM) giải trình nguyên nhân cổ phiếu tăng trần liên tục

Sau khi cổ phiếu Angimex tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 10/9 đến ngày 16/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã yêu cầu Angimex giải trình.

Sau khi có văn bản từ phía HoSE, Angimex đã giải trình cho biết, hiện nay theo tình hình thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống tăng lên. Tuy nhiên việc Ấn Độ đang xem xét nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo đang được xem là yếu tố có thể khiến thị trường xuất khẩu gạo cuối năm 2024 có nhiều biến động.

Giải trình của AGM cũng cho rằng, bên cạnh đó siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng cho các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô tại các tỉnh miền Bắc. Nguy cơ thiếu hụt lương thực dẫn đến biến động tăng giá trong nước có thể đã làm gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư.

“Giá cổ phiếu AGM tăng trần 5 phiên liên tiếp là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty, Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu AGM trên thị trường chứng khoán”, Angimex nhấn mạnh.

Được biết, từ ngày 10/9 đến ngày 17/9, cổ phiếu AGM đã trải qua 6 phiên tăng trần liên tiếp, tăng 48,4% từ 2.850 đồng lên 4.230 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu AGM
Diễn biến giá cổ phiếu AGM

Trước đó, HOSE quyết định giữ nguyên AGM trong diện kiểm soát do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2024.

Theo báo cáo soát xét bán niên, trong nửa đầu năm 2024, Angimex tiếp tục lỗ thêm 98,32 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 54,69 tỷ đồng và nếu nhìn rộng ra, Angimex đã trải qua hai năm lỗ liên tiếp khi lỗ 234,16 tỷ đồng trong năm 2022 và tiếp tục lỗ thêm 214,92 tỷ đồng trong năm 2023.

Thêm nữa, với việc tiếp tục lỗ trong nửa đầu năm 2024, tính tới 30/6/2024, Angimex đang ghi nhận tổng lỗ luỹ kế 264,29 tỷ đồng, bằng 145% vốn điều lệ (vốn điều lệ 182 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu ghi nhận âm 82,29 tỷ đồng (đầu năm vốn chủ sở hữu dương 21,8 tỷ đồng).

AGM từng được biết đến là một trong những nhà xuất nhập khẩu gạo hàng đầu, từng nằm trong nhóm Louis Holdings. Năm 2022, hệ sinh thái Louis Holdings gặp biến cố, từ đó hoạt động kinh doanh của AGM bết bát theo và mãi chưa thể phục hồi.

AGM cho biết hiện công ty đang tích cực tái cơ cấu toàn diện, thu hồi nợ và thanh lý tài sản để tạo lợi nhuận, giảm bớt lỗ lũy kế. Đồng thời, công ty cũng sẽ tìm kiếm nhà đầu tư để tiến hành thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng quy mô Vốn chủ sở hữu, bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn