Áp lực bán gia tăng, VN-Index chuẩn bị 'test đáy'?
Phiên giáo dịch sáng 21/4, mặc dù mở cửa trong sắc xanh nhưng thị trường chứng khoán không thể duy trì đà tăng. Chỉ số VN-Index đóng cửa quanh mức 1.206 điểm, mất gần 13 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt gần 9.000 tỷ đồng, sụt giảm nhẹ so với phiên trước đó.

Trong khi chỉ số VN-Index lao dốc, thị trường phái sinh lại cho thấy diễn biến tích cực hơn khi đóng cửa gần sát tham chiếu. Cụ thể, hợp đồng tương lai VN30F1M chỉ giảm 0,9 điểm, dừng ở mức 1.289,1 điểm - mức giảm rất thấp so với diễn biến thực tế của chỉ số cơ sở. Điều đáng lưu ý là dù rổ VN30 mất tới gần 15 điểm, VN30F1M chỉ nhích giảm chưa đầy 1 điểm. Sự lệch pha rõ rệt này là một dấu hiệu đáng lưu ý, bởi về nguyên tắc, hợp đồng tương lai thường bám sát biến động của chỉ số cơ sở.
Hết phiên sáng, rổ VN30 chỉ có 5 mã tăng, 1 mã tham chiếu và có tới 24 mã giảm điểm. Cổ phiếu TPB dẫn đầu với mức tăng 2,27% trong khi SHB, VNM, VIB, VCB tăng dưới 0,5%.
Chiều ngược lại, VIC tiếp tục là mã giảm mạnh nhất nhóm khi mất hơn 3% trong phiên sáng nay. So với vùng đỉnh 74.400 đồng/cp vào phiên 15/4, cổ phiếu này hiện đã mất gần 15%. Theo sau VIC, các cổ phiếu GVR, BVH, LPB đồng loạt giảm trên 2%, tạo áp lực lên chỉ số chung.
Áp lực điều chỉnh không chỉ xuất hiện tại nhóm VN30 mà còn lan tỏa sang hầu hết các nhóm ngành. Ngân hàng là một trong những nhóm nổi bật nhất khi các cổ phiếu "khoẻ" như BID, CTG, TCB, MBB,... cũng ghi nhận mức giảm từ 1% - 2%.
Tại nhóm chứng khoán, các cổ phiếu đầu ngành như HCM, VCI, SSI, VND, MBS, FTS, BSI,... cũng mất 2% - 6% so với tham chiếu. Đối với HCM, áp lực giảm điểm xảy ra sau khi công ty chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh kém sắc trong quý đầu tiên của năm 2025.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có sự phân hoá. Cổ phiếu NVL bất ngờ tỏa sáng khi chạm trần sau khoảng 1 tiếng giao dịch, kết phiên giữ mức tăng gần 5%. Các mã khác như QCG, L14, HDC và TCH cùng xu hướng khi giữ được sắc xanh. Ngược chiều, BCR lại mất 5% so với tham chiếu, trong khi DIG, NTL, PDR, CEO,... giảm từ 1% - 2,5%.
Tương tự, tại nhóm cổ phiếu thuộc nhóm thép, khu công nghiệp, thủy sản, dệt may,... bảng điện cũng đan xen các sắc xanh, đỏ. Thanh khoản của các nhóm cổ phiếu này tiếp tục đi ngang so với phiên hôm qua, cho thấy tâm lý thận trọng của dòng tiền.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom mạnh SHB (+63 tỷ đồng), VIC (+60 tỷ đồng), FPT (+40 tỷ đồng),... Chiều ngược lại, nhóm này lại bán ra HCM (81 tỷ đồng), GEX (-44 tỷ đồng), TPB (-41 tỷ đồng),... Tính chung, khối ngoại bán ròng tổng công hơn 195 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Với diễn biến trong phiên sáng 21/4, rất khó để khẳng định thị trường sẽ “test đáy” ngưỡng 1.200 điểm hay tiếp tục xu hướng chiết khấu. Đánh giá về xu hướng hiện tại, SSI Research cho rằng VN-Index đang thể hiện sự lưỡng lự quanh vùng kháng cự mạnh 1.230 – 1.250 điểm, đồng thời có khả năng quay lại kiểm định vùng hỗ trợ 1.200 – 1.220 điểm. SSI nhấn mạnh cần theo dõi thêm tín hiệu dòng tiền và yếu tố kỹ thuật trong những phiên tới để xác nhận liệu nhịp điều chỉnh có tiếp tục mở rộng hay không.
Trong khi đó, Chứng khoán SHS nhận định, VN-Index vẫn nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn khi chưa vượt qua vùng kháng cự 1.250 – 1.270 điểm. Tuy nhiên, chỉ số đang nỗ lực giữ cân bằng quanh mốc tâm lý 1.200 điểm – vốn là vùng giá trung bình của 5 năm gần đây. Đơn vị này khuyến nghị nhà đầu tư xem xét tích lũy các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt khi về vùng giá hợp lý, hoặc tận dụng cơ hội lướt sóng để hạ giá vốn với những mã đã điều chỉnh sâu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần ưu tiên quản trị rủi ro nếu đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn