Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đạt đỉnh vào quý III/2025

Thống kê thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý IV/2024, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, mặc dù có sự chậm lại so với tổng lượng phát hành trong quý III, nhưng so với các giai đoạn trước, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 3 quý gần nhất đã cho thấy sự bứt phá.

Cụ thể, theo dữ liệu từ HNX, tính đến ngày 31/12, đã có 138 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý IV trị giá 130.420 tỷ đồng, giảm 12,1% so với quý trước và không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tính cả năm 2024, tổng giá trị phát hành mới đạt hơn 447.000 tỷ đồng, tăng gần 32% so với năm 2023.

PHS cho rằng, sau giai đoạn khủng hoảng về niềm tin khiến quy mô phát hành sụt giảm mạnh trong năm 2022, hồi phục nhẹ năm 2023 thì trong năm 2024 đã có sự cải thiện mạnh mẽ hơn. 

Giá trị phát hành hàng năm (tỷ đồng), tính đến ngày đăng tin 31/12/2024. Nguồn: PHS tổng hợp

Trong quý cuối cùng của năm 2024, nhà họ Vin tiếp tục phát hành thành công 18.000 tỷ đồng. Trong đó, Vinfast ghi nhận lượng phát hành trái phiếu mới lớn nhất với 10.000 tỷ đồng, lãi suất bình quân 13,5%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm nhằm mục đích thực hiện dự án sản xuất ô tô tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, TP. Hải Phòng. Riêng trong năm 2024, nhà họ Vin đã phát hành tổng cộng 38.500 tỷ đồng. Đa phần các trái phiếu do nhà họ Vin phát hành đều có mức lãi suất dao động từ 12-13,5%, đây cũng là mức cao so với thị trường.

Xét về top 10 các doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất trong năm 2024, có 9 trên 10 tổ chức phát hành thuộc nhóm ngân hàng. Đây cũng là nhóm góp phần lớn nhất vào sự hồi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Dự kiến với nhu cầu về vốn để đảm bảo an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng trong năm sau thì xu hướng phát hành của nhóm Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường trái phiếu trong năm 2025.

Tính đến ngày 31/12, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn quý IV đạt 55.850 tỷ đồng, giảm 20,6% so với quý III và giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động mua lại chỉ tăng mạnh trong tháng 12, gần bằng 50% tổng lượng trái phiếu mua lại trong cả quý IV. Lũy kế cả năm, tổng lượng trái phiếu mua lại trong năm 2024 đạt gần 203.700 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2023.

Nhóm ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu trong việc mua lại trái phiếu trước hạn khi lãi suất phát hành mới duy trì ở mức thấp, chiếm gần 75% tổng lượng trái phiếu mua lại và tăng 19,7% so với năm 2023. Trong khi đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại của các doanh nghiệp Bất động sản chỉ chiếm 10% và giảm 56,9% so với năm 2023.

Trong khi đó, tình hình trái phiếu chậm trả gốc và lãi trong nửa cuối năm 2024 cũng thấp hơn rất nhiều so với năm 2023. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường trong năm sau, đặc biệt là khi lượng trái phiếu đáo hạn cũng giảm bớt so với các năm trước đó, giúp tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua trong tháng 12/2024 cũng giúp hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, PHS cho biết, quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, sẽ dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn kể từ quý II/2025. Theo đó, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025, phần nào tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm.

Nhìn về triển vọng năm 2025, PHS cho rằng, giai đoạn rủi ro nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua, đặc biệt là khi các các quy định pháp lý mới được áp dụng, giúp thị trường minh bạch, bền vững hơn. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ổn định ở mức 4 - 5,0% cũng thúc đẩy dòng tiền từ nhà đầu tư chuyển dịch sang các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn.

Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn cũng kéo theo kỳ vọng về sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó giúp cho chất lượng tài sản của các doanh nghiệp tốt hơn và là cơ sở để nhà đầu tư gia tăng niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Xem thêm tại baodautu.vn