Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ rơi vào giữa năm 2024
Phát hành 10.715 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1/2024
Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 3/2024, tính đến ngày 22/3/2024 đã có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 3.750 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 10.715 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng giá trị phát hành) và 10 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 8.065 tỷ đồng (chiếm 75,3% tổng số).
Theo đánh giá, nếu so với tình trạng gần như đóng băng của phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1/2023 khi hầu như không có đợt phát hành nào thì kết quả phát hành trong quý 1/2024 đã hết sức khả quan.
Dữ liệu của VBMA về trái phiếu doanh nghiệp được mua lại cũng cho thấy, trong tháng 3/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 4.475 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 18.278 tỷ đồng, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 45,1% tổng giá trị mua lại, tương ứng khoảng 8.250 tỷ đồng.
Liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, theo VBMA, từ nay đến hết năm 2024, tổng giá trị trái phiếu là 213.521 tỷ đồng, trong đó 37% giá trị trái phiếu thuộc nhóm bất động sản (khoảng 79.597 tỷ đồng), theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng, chiếm 26%.
Theo Công ty Chứng khoán MSB, áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến hết năm vẫn rất lớn, nhất là các DN bất động sản. Chính sách cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản hoặc sản phẩm khác tiếp tục được nối dài sang năm 2024, giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực vào thời điểm đáo hạn, tuy nhiên, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn khá lớn với khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng 4% so với năm trước sau khi đã trừ đi các khoản trái phiếu mua lại. Theo MSB, áp lực đáo hạn sẽ rơi vào lần lượt quý 2/2024 (với 74 nghìn tỷ đồng) và quý 3/2024 (với 52 nghìn tỷ đồng).
Công ty Xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings đánh giá trong năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào chu kỳ phát triển mới bắt đầu từ triển vọng tín dụng cải thiện. “Chúng tôi cho rằng tỷ lệ chậm trả gốc, lãi đã đạt đỉnh trong năm 2023. Triển vọng tín dụng sẽ cải thiện dần trong năm 2024, được hỗ trợ bởi điều kiện kinh doanh trong nước hồi phục và chi phí huy động vốn ở mức thấp. Điều này sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ và tìm kiếm nguồn tài chính mới của các DN”, các chuyên gia của VIS Ratings nhận định.
Sự phục hồi dần của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy phát hành trái phiếu
Trong đầu năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận kế hoạch phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp lớn. Theo đó, với CTCP Vinhomes, HĐQT công ty đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 10 nghìn tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo với mệnh giá là 100 triệu VND/trái phiếu, kỳ hạn dao động từ 2 năm đến 3 năm. Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 500 tỷ đồng với kỳ hạn tối đa 1 năm và lãi suất cố định 8,3%/năm
Theo VIS Ratings, trong giai đoạn trước, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu có mối liên hệ chặt chẽ. Vì thế, sự phục hồi dần của thị trường bất động sản trong năm 2024 sẽ thúc đẩy phát hành trái phiếu từ phía doanh nghiệp bất động sản cũng như giải quyết các vấn đề chậm trả gốc, lãi trái phiếu trong chu kỳ mới. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý bảo vệ người nắm giữ trái phiếu tốt hơn và phục hồi lòng tin của thị trường sẽ giúp thị trường phát triển một cách bền vững.
Theo phân tích, từ năm 2018-2022, việc sử dụng phổ biến các công ty có mục đích đặc biệt, có sức khỏe tín dụng yếu để phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua. Khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn thanh khoản trong giai đoạn từ quý 4/2022 đến quý 1/2023, việc ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP vào tháng 3/2023 đã giúp ổn định thị trường và hỗ trợ tổ chức phát hành xử lý chậm trả gốc, lãi. Từ tháng 1/2024, tất cả các quy định trong Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực, xây dựng kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan và giúp phục hồi lòng tin của thị trường, trong đó, xếp hạng tín nhiệm sẽ hỗ trợ trong việc đưa ra quyết định đầu tư tốt hơn khi giúp phân hóa sức khỏe tín dụng của các tổ chức phát hành và lượng hóa rủi ro của các công cụ nợ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Trả lời tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong quy định của Luật Chứng khoán và Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và sau này là Nghị định 08/2023/NĐ-CP có quy định về vấn đề xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng do Ủy ban Chứng khoán cấp phép. Khẳng định xếp hạng tín nhiệm là vấn đề hết sức quan trọng, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung để thúc đẩy lĩnh vực này, theo đó, đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngoài vấn đề công khai theo quy định trên các sàn giao dịch riêng lẻ thì phải được công khai về vấn đề xếp hạng tín nhiệm qua từng thời kỳ. |
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn