Áp lực khi dòng vốn ngoại rút ròng
Khối ngoại bán ròng - chuyện không riêng ở Việt Nam
Đến hết quý II/2024, giá trị cổ phiếu Việt Nam do Quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF thuộc Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock chỉ còn chưa đến 18 triệu USD (458 tỷ đồng), tương đương 5,42% tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ.
Là lựa chọn ưa thích của quỹ ETF dựa trên chỉ số thị trường cận biên cùng cổ phiếu từ một số thị trường mới nổi này của MSCI, các cổ phiếu của Việt Nam từng có thời điểm chiếm tới gần 30% tỷ trọng danh mục. Tuy nhiên, sau quyết định giải thể quỹ, các nhà quản lý của Tập đoàn BlackRock cũng nhanh chóng bán cổ phiếu. Chỉ tính từ ngày 11/6 đến nay, tổ chức này đã thu về cả ngàn tỷ đồng thông qua bán cổ phiếu Việt Nam.
Song song đó, quỹ cũng rút vốn khỏi Việt Nam và gia tăng tỷ trọng đầu tư vào BlackRock Cash Funds - một quỹ đầu tư với danh mục gồm ít nhất 99,5% giá trị danh mục là tiền mặt (USD), tín phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu kho bạc Mỹ… Trong thông báo giải thể, dù thời gian đóng quỹ sớm nhất vào trung tuần tháng 8/2024, BlackRock cho biết, quỹ sẽ nắm giữ phần lớn tài sản bằng tiền mặt và các khoản tương đương tiền trong thời gian thanh lý kéo dài. Đến nay, trong tổng danh mục hơn 332 triệu USD, có tới 196,6 triệu USD đang nằm ở quỹ tiền mặt.
iShares MSCI Frontier and Select EM ETF không phải quỹ duy nhất đang đưa tiền về Mỹ. Thống kê về dòng vốn các quỹ toàn cầu trong tuần thứ ba của tháng 6/2024 do Công ty Chứng khoán Yuanta thực hiện cho thấy, gần 54,4 tỷ USD được đổ thêm vào các quỹ ETF Mỹ. Riêng quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ hút về hơn 46 tỷ USD, lượng huy động ròng nhiều nhất kể từ đầu quý II/2024.
Trong khi đó, tại châu Á, thị trường chứng khoán Thái Lan dẫn đầu xu hướng rút ròng của khối ngoại với giá trị bán ròng 290,7 triệu USD. Kế đó là thị trường chứng khoán của Việt Nam (185,8 triệu USD), Malaysia (56,3 triệu USD), Philippines (46,8 triệu USD). Tính riêng diễn biến dòng vốn tại các quỹ ETF ngoại, Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh nhất từ cả quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF và Fubon FTSE.
Tính chung nửa đầu năm 2024, tổng cộng khối ngoại đã bán ròng thu về 52.737 tỷ đồng, tương đương 2,1 tỷ USD. Tính cả nửa năm, giá trị bán ròng của khối ngoại gấp 2,26 lần cả năm 2023 và xấp xỉ 87% giá trị bán ròng kỷ lục từng xác lập năm 2021. Dù vậy, so với thị trường chứng khoán Thái Lan, mức bán ròng vẫn “khiêm tốn” hơn. Theo Pi Securities, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu Thái Lan thu về hơn 100 tỷ THB kể từ đầu năm, tương đương khoảng 2,73 tỷ USD.
Cơ hội cơ cấu danh mục
Áp lực từ xu hướng bán ròng không ngừng nghỉ của các nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều có những tác động đến các thị trường chứng khoán. Tại Thái Lan, chỉ số chứng khoán của quốc gia này đứng thứ hai trong nhóm thị trường giao dịch tiêu cực nhất toàn cầu tính từ đầu năm và so với thời điểm cách đây một năm.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tỷ trọng giá trị mua - bán của khối ngoại thay đổi tuỳ từng phiên, thường quanh 10%, có vọt lên trong những phiên giao dịch cuối tháng 6 do giá trị giao dịch toàn thị trường giảm, nhưng vẫn hiếm khi vượt trên 20%.
Tuy vậy, dòng vốn ngoại bán ròng có tính tập trung khá cao. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị bán ròng ở 3 mã chứng khoán đã chiếm tới gần một nửa tổng giá trị bán ròng toàn thị trường. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND tham chiếu theo rổ chỉ số VNDiamond bị bán ròng 7.450 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Quỹ ETF này tháng vừa qua cũng ghi nhận nhiều đợt giảm số lượng chứng chỉ, kéo theo hoạt động giảm lượng cổ phiếu nắm giữ.
Cùng với đó, hai cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là VHM (hơn 11.600 tỷ đồng), FPT (5.350 tỷ đồng). Cổ phiếu VHM xác lập mức giá thấp kỷ lục hôm 24/6 vừa qua. Cổ phiếu FPT dưới áp lực “chốt lời” của khối ngoại đi ngang quanh vùng giá đỉnh trong nửa cuối tháng 6. Lực bán của khối ngoại tăng lên ở nhóm trụ cột có thể lan tỏa hiệu ứng thận trọng đến phần còn lại của thị trường.
Đánh giá về ảnh hưởng của xu hướng bán ròng của khối ngoại thời gian qua, ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, câu chuyện này hiện nay phần nhiều mang đến tác động tâm lý. Ông Huy cũng dự báo, nhà đầu tư nước ngoài có thể còn tiếp tục bán ròng, nhưng điều thị trường cần quan tâm hơn là dòng tiền nội.
Dù nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất trong tháng 6 vừa qua, nhưng ông Huy kỳ vọng, môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng vẫn ổn định trong 6 tháng đến một năm tới. Dòng vốn nội có thể quay trở lại nhiều hơn khi nhà đầu tư nhận thấy lãi suất khó có cửa tăng nhiều. Cùng với đó, dòng tiền ngoại đi bằng con đường qua các quỹ nội cũng đủ mạnh để các nguồn trên có thể cân lại dòng tiền.
Thực tế, trong lịch sử giao dịch, khối ngoại từng ghi nhận đợt bán ròng kỷ lục vào năm 2021. Tuy nhiên, sự tham gia tích cực từ dòng tiền cá nhân trong nước đã giúp VN-Index có một năm “thăng hoa”, thậm chí tiến sát mốc 1.500 điểm. Thời điểm này, VN-Index đã rơi xuống dưới ngưỡng 1.250 điểm vào cuối tháng 6, tương ứng mức giảm hơn 11% từ đỉnh, nhưng vẫn đang cao hơn 10,9% so với thời điểm đầu năm. VN-Index cũng đang nhích lên vào đầu tháng 7.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, việc nắm giữ cổ phiếu ở vùng này vẫn sẽ mang lại lợi nhuận khá tích cực trong quý III. Trường hợp VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.220 điểm là thời điểm thích hợp để giải ngân, cơ cấu lại danh mục. Các nhóm ngành nên ưu tiên là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu.
Xem thêm tại baodautu.vn