Áp lực nợ xấu, trái phiếu đến hạn năm 2024 khiến NĐT thận trọng trong ngắn hạn
Báo cáo triển vọng vĩ mô năm 2024 của Chứng khoán DSC, tuy lãi vay giảm là yếu tố tích cực, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, tình hình nợ xấu của nhóm ngân hàng vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.
Đáng chú ý, nợ xấu tăng mạnh trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ như giãn nợ tín dụng, nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được ban hành. Tuy nhiên, các chính sách trên chỉ giúp doanh nghiệp kéo dài thời gian chứ không giải quyết dứt điểm vấn đề.
Trong năm 2024, DSC đánh giá tình trạng nợ xấu có thể sẽ căng thẳng hơn do thị trường BĐS vẫn còn ảm đạm và thông tư giãn nợ hết hạn. Cụ thể, thị trường bất động sản xấu sẽ kéo nợ xấu của nhóm bất động sản (nhóm chiếm 21% tổng tín dụng hệ thống) tăng cao.
Quan trọng hơn, thị trường bất động sản ảm đạm làm suy yếu chất lượng tài sản đảm bảo của ngân hàng (70% tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng là bất động sản) và bộ đệm dự phòng thấp sẽ khiến NH gặp khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Thông tư 02 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn nợ cũng sẽ hết hạn vào tháng 6/2023. Do đó, DSC đánh giá tình hình nợ xấu có khả năng sẽ xấu đi trong năm 2024. Trong trường hợp nợ xấu tăng cao, kỳ vọng thông tư giãn, hoãn nợ tín dụng sẽ tiếp tục được gia hạn để đảm bảo tính an toàn của hệ thống.
Mặc dù có những tín hiệu cải thiện, phát hành TPDN vẫn chưa thể phục hồi trở lại mức trước năm 2021 do còn nhiều tổ chức phát hành vẫn gặp khó khăn về kinh doanh và dòng tiền khiến cho niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vẫn còn khá dè dặt với thị trường.
Tháng 3/2023, Chính phủ đã thông qua Nghị định 08 để giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian giải quyết vấn đề trả nợ. Theo đó, bên phát hành có thể đàm phán với các trái chủ để gia hạn nợ, hoán đổi tài sản hay thanh lý tài sản thế chấp. Cho đến hết quý III/2023, đã có 81% đơn vị phát hành chọn phương án gia hạn trái phiếu, trong đó hơn 60% thực hiện gia hạn trái phiếu thêm 2 năm, ngang mức tối đa.
Vì vậy, khối lượng TPDN đáo hạn trong 2023 là không quá lớn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc áp lực đáo hạn sẽ gia tăng trong 2024, trong đó riêng nhóm bất động sản sẽ có tới 120.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Giá trị trái phiếu chậm trả gốc/lãi đạt đỉnh trong quý I/2023 và giảm dần trong các quý tiếp theo do các doanh nghiệp đã thực hiện gia hạn trái phiếu. Với việc môi trường kinh doanh được cải thiện và các doanh nghiệp có thêm thời gian cơ cấu lại dòng tiền, khả năng thanh toán nợ sẽ được cải thiện trong năm 2024 và giá trị trái phiếu chậm trả sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng chậm so với 2023.
Trong 2023, các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán vẫn chưa thể phục hồi. Qua năm 2024, khi triển vọng nền kinh tế còn chưa rõ ràng, vấn đề nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết triệt để, DSC đánh giá rất khó để niềm tin nhà đầu tư tại các kênh phổ biến nêu trên sớm trở lại.
Với tình hình nợ xấu còn căng thẳng, các ngân hàng có thể cận trọng hơn trong công tác xét duyệt tín dụng trong năm 2024. Yếu tố này đi kèm với việc các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, trái phiếu ảm đạm do nhà đầu tư mất niềm tin có thể khiến công tác huy động vốn doanh nghiệp cho năm 2024 trở nên khó khăn hơn trong năm 2024.
Xem thêm tại vietnambiz.vn