Áp lực rủi ro pha loãng cổ phiếu có đáng lo?
Sau mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, việc tăng vốn qua phát hành cổ phiếu dưới các hình thức như chào bán riêng lẻ, trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cho cổ đông hiện hữu đang trở nên rầm rộ. “Cuộc đua” phát hành tăng vốn gay cấn nhất ở 3 nhóm ngành thâm dụng vốn lớn là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Tới tấp kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn
Trong nhóm ngân hàng, nhà băng “chơi lớn” nhất chính là Techcombank (TCB) với phương án tăng vốn từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành 3,5 tỷ cổ phiếu. Theo sau là BIDV (BID) với 1,197 tỷ cổ phiếu.
Gần 20 ngân hàng khác cũng có kế hoạch phát hành thêm hàng chục triệu, hàng trăm triệu cổ phiếu mới ra thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, MB (MBB) dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% và phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu. Hay như LPBank (LPB) chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Hàng loạt doanh nghiệp công bố các kế hoạch phát hành cổ phiếu với số lượng “khủng”. (Hình minh họa) |
Đối với ngành chứng khoán, kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ nhất phải kể đến Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) với 4 phương án phát hành, số lượng tổng cộng gần 900 triệu cổ phiếu.
Không kém cạnh, Chứng khoán VIX (VIX) thông qua tăng vốn bằng việc phát hành tổng cộng 790 triệu cổ phiếu thông qua các phương án phát hành trả cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP (phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty).
Các “ông lớn” trong ngành như Chứng khoán SSI (SSI) cũng dự kiến phát hành 453,3 triệu cổ phiếu mới, Chứng khoán VNDIRECT (VND) dự kiến phát hành hơn 304 triệu cổ phiếu mới.
Ngoài ra, có thể liệt kê thêm hàng chục công ty chứng khoán tầm trung khác đang tham gia vào cuộc đua tăng vốn này thông qua việc phát hành cổ phiếu như Chứng khoán Rồng Việt (VDS) dự kiến phát hành tối đa 114 triệu cổ phiếu, Chứng khoán Vietcap (VCI) có kế hoạch phát hành 281 triệu cổ phiếu, Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (IVS) thông qua phương án chào bán 69,35 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu…
Đối với ngành bất động sản, Tập đoàn Novaland (NVL) chốt xong phương án chào bán gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. DIC Corp (DIG) lên 4 phương án phát hành với tổng số lượng hơn 410 triệu cổ phiếu. Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) muốn phát hành 274 triệu cổ phiếu, Tổng công ty Xây dựng Số 1 (CC1) muốn phát hành 232,2 triệu cổ phiếu, Nhà Khang Điền (KDH) dự kiến chào bán thêm 110,09 triệu cổ phiếu riêng lẻ, Bamboo Capital phát hành 346 triệu cổ phiếu thưởng…
Ngoài ra, ở lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) muốn phát hành hơn 580 triệu cổ phiếu, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) dự định phát hành hơn 140 triệu cổ phiếu, Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) cũng dự kiến phát khoảng 100 triệu cổ phiếu ra thị trường.
Có đáng lo?
Nhìn chung, các kế hoạch tăng vốn thể hiện sự lạc quan và tham vọng của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư giúp thúc đẩy giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, kế hoạch mới chỉ là kỳ vọng, còn kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn. Rất nhiều công ty đã phải hoãn, tạm dừng, thậm chí phát hành cổ phiếu nhưng không ai mua do thị trường không thuận lợi, hoặc tiềm năng doanh nghiệp không hấp dẫn, giá chào bán quá cao... Điều này dẫn tới hiệu ứng ngược cho giá cổ phiếu.
Mặt khác, với loạt kế hoạch phát hành mới, ước tính hàng chục tỷ cổ phiếu đến từ hàng chục doanh nghiệp dự kiến đổ bộ lên sàn chứng khoán trong giai đoạn 2024-2025 làm dấy lên lo ngại về rủi ro pha loãng cổ phiếu cũng như khả năng hấp thụ của thị trường chứng khoán.
Theo giới phân tích, rủi ro pha loãng cổ phiếu có thể có bởi khi lượng cung hàng tăng lên đột ngột có thể dẫn tới rủi ro giảm giá cổ phiếu cũng như rủi ro dòng tiền trên thị trường không đủ hấp thụ khối lượng mới. Thế nhưng, điều này còn tùy thuộc vào nội lực của từng công ty và kế hoạch sử dụng vốn sau khi phát hành.
“Mỗi doanh nghiệp sẽ có sự ảnh hưởng ít nhiều khác nhau. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá e dè và lo sợ về lượng cung hàng lớn của cổ phiếu vì bản chất chứng khoán là câu chuyện về giá trị. Nếu giá trị doanh nghiệp tốt, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ mang lại tương lai tốt, giá cổ phiếu trong dài hạn sẽ tăng trở lại và việc điều chỉnh trong ngắn hạn không phải điều nên hoảng sợ”, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty cổ phần VICK cho hay.
Thực tế, ở thời điểm hiện tại, 3 yếu tố cốt lõi là vĩ mô, định giá và dòng tiền đều đang ủng hộ và xây dựng nên “bức tranh” tương đối tốt cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Bức tranh mới này sẽ đòi hỏi cán cân cân bằng lại với số lượng cổ phiếu trên sàn. Do đó, việc tăng vốn của loạt doanh nghiệp chưa chắc đã tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng vốn nhiều nhất trên thị trường chủ yếu nằm ở khối tài chính ngân hàng như các công ty chứng khoán, các nhà băng. Điều này là hợp lý vì khi quy mô vốn hoá của thị trường tăng lên, nhu cầu giao dịch trên thị trường của nhà đầu tư tăng lên thì việc đáp ứng được quy mô của thị trường chứng khoán đòi hỏi các đơn vị như ngân hàng, công ty chứng khoán phải có vốn tương đối tốt để đảm bảo an toàn hoạt động
Hiện tại, mặc dù "sức khỏe tài chính" của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song giới phân tích đánh giá hệ số an toàn vốn (CAR) vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Hơn nữa, dù thu nhập phi lãi ngày càng tăng nhưng thu nhập từ lãi vẫn là kênh chủ đạo ở tất cả các ngân hàng. Do đó, việc tăng vốn còn có ý nghĩa vừa mở rộng quy mô tín dụng, vừa gia tăng thu nhập, vừa pha loãng tỷ lệ nợ xấu.
Mặt khác, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024 ở mức 18-22%, việc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ tương ứng ở mức 20%, theo các chuyên gia, không ảnh hưởng đến các chỉ số EPS.
Ngoài ra, các hình thức tăng vốn danh nghĩa như chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần được đánh giá chỉ giúp doanh nghiệp hưởng lợi về mặt hình ảnh, tăng quy mô vốn điều lệ chứ không có dòng vốn mới vào.
Nhìn chung, rủi ro pha loãng được cho là không đáng ngại lớn cho thị trường. Dù vậy, các nhà đầu tư cũng cần “chọn mặt gửi vàng” cho những đồng vốn bỏ ra để tránh nhận rủi ro “hiệu ứng ngược” từ kế hoạch tăng vốn của các doanh nghiệp.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn