Đà tăng khá mong manh trong phiên hôm qua đã khiến thị trường nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc và điều chỉnh giảm có phần sâu hơn về cuối phiên sáng 19/7 khi nỗi lo sợ hàng T+ giá rẻ trong phiên bán tháo ngày 17/7 về tài khoản. Tuy nhiên, lực cầu vẫn tham gia khá tốt với “má phanh” chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đã giúp VN-Index giữ được mốc 1.270 điểm khi tạm dừng phiên sáng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau nhiều lần nỗ lực tìm lại vùng giá 1.270 điểm bất thành, áp lực bán đã gia tăng và lan rộng hơn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ sau khoảng 1 giờ mở cửa. Chỉ đến thời điểm VN-Index “đe dọa” thủng mốc 1.260 điểm, lực cầu được kích hoạt đã giúp chỉ số chung bật hồi đôi chút.
Thị trường khép lại phiên cuối tuần với mức giảm gần 10 điểm khi chịu áp lực chốt lời bởi lượng cổ phiếu giá rẻ trong phiên 17/7 về tài khoản, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất trong 13 phiên giao dịch nhưng vẫn trong vùng giá khá an toàn 1.260 – 1.265 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 324 mã giảm, gấp hơn 2,5 lần số mã tăng (126 mã), VN-Index giảm 9,66 điểm (0,76%) xuống 1.264,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 791,8 triệu đơn vị, giá trị 18.538 tỷ đồng, tăng 7,14% về khối lượng nhưng giảm 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 65,74 triệu đơn vị, giá trị 1.303,72 tỷ đồng.
Nhóm VN30 không mấy khả quan với 21 mã giảm và chỉ còn 9 mã tăng, kết phiên chỉ số nhóm này giảm 4 điểm. Trong đó, cặp đôi ngân hàng TPB và MBB là tăng tốt nhất, đều đạt hơn 2%.
Ngược lại, cổ phiếu POW giảm sâu nhất dù đã thoát được giá sàn, kết phiên giảm 6,3% và tác động mạnh nhất tới thị trường là GVR khi lấy đi gần 1,5 điểm của chỉ số chung, kết phiên giảm tới 4,3% xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 34.500 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, tâm điểm là cổ phiếu QCG. Sau thông tin bắt tạm giam Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan, cổ phiếu QCG đã bị bán tháo ồ ạt. Đóng cửa, QCG giảm 6,97% xuống mức 9.070 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị và dư bán sàn 3,5 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của QCG, với tổng mức giảm gần 26%.
Xét về nhóm ngành, nhóm bán lẻ vẫn tăng tốt nhất thị trường, đạt 0,69%, nhờ đóng góp của các mã MWG, FRT tăng trên dưới 1%. Ngoài ra, thị trường còn có nhóm chế biến thủy sản, tài chính khác và dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ chỉ khoảng 0,2%.
Các nhóm cổ phiếu còn lại trên thị trường đều giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều giảm nhẹ chưa tới 0,5%, bởi sức ép đến từ các mã lớn như VCB, BID, CTG, TCB…
Tuy vậy, dòng bank vẫn giữ nhiệt sôi động, với cặp đôi MBB và TPB đóng cửa đều tăng hơn 2%, có thanh khoản đạt 40-45 triệu đơn vị; SHB khớp 23.86 triệu đơn vị, các mã ACB, VPB, TCB, MSB, CTG cũng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục lùi nhẹ sau pha đảo chiều điều chỉnh nhẹ ở cuối phiên sáng. Trong đó đáng chú ý, cổ phiếu VIX đã chịu áp lực bán tháo và kết phiên trong sắc xanh mắt mèo. Cụ thể, VIX giảm 6,8% xuống mức 15.800 đồng/CP, là mức giá thấp nhất từ giữa tháng 11/2023, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 55,22 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,62 triệu đơn vị.
Mới đây, UBCK đã cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho VIX. Theo đó, VIX dự kiến sẽ phát hành thêm gần 790 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn lên gần 14.600 tỷ đồng và lọt top các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất.
Trong khi đó, SSI và VND vẫn ngược dòng chung và đóng cửa lần lượt tăng 1,3% và 2,6%, với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất ngành, tương ứng đạt 17,26 triệu đơn vị và gần 14 triệu đơn vị.
Bộ 3 nhóm cổ phiếu sản xuất nhựa – hóa chất, vận tải – kho bãi, và nhóm chăm sóc sức khỏe vẫn giảm mạnh nhất thị trường, với mức giảm trên dưới 2,5%.
Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và chỉ số HNX-Index duy trì đà giảm khá mạnh.
Chốt phiên, sàn HNX có 46 mã tăng và 117 mã giảm, HNX-Index giảm 1,97 điểm (-0,81%) xuống 240,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63,42 triệu đơn vị, giá trị 1.190,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,84 triệu đơn vị, giá trị 135,3 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 đóng cửa giảm tới gần 5 điểm khi có tới 16 mã giảm và chỉ 8 mã tăng. Trong đó, HLD và TMB tăng tốt nhất, đều đạt 2,7%, còn lại các mã giữ sắc xanh chỉ với biên độ tăng trên dưới 1%; ngược lại L14 và BVS giảm mạnh nhất khi mất 5,2%, tiếp theo là L18 giảm 4,9%, NTP giảm 4,2%...
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng phân hóa. Bên cạnh BVS giảm sâu, APS giảm 3,9%, VIG giảm 2,7%, VFS giảm 1,2%, EVS giảm 1,4%...; cặp đôi SHS và MBS vẫn là điểm sáng ngành với diễn biến khởi sắc về giá và thanh khoản sôi động.
Cụ thể, kết phiên SHS tăng 0,6% và khớp lệnh vượt trội với gần 13,8 triệu đơn vị; MBS tăng 1,1% và khớp hơn 5 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý khác như TNG tăng 1,6%, CEO giảm 2,9%, LAS giảm 3,4%, PVS giảm nhẹ 0,2%, HUT lấy lại mốc tham chiếu, với thanh khoản đạt một đến vài triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,84 điểm (-0,86%) xuống 96,78 điểm với 133 mã tăng và 169 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 52,14 triệu đơn vị, giá trị 648 tỷ đồng.
Điểm sáng thuộc về cổ phiếu BVB bởi pha đảo chiều khởi sắc nhờ lực cầu sôi động. Kết phiên, BVB tăng 1,4% lên mức 14.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua BSR, đạt 4,67 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR gặp áp lực bán gia tăng đã đảo chiều giảm nhẹ 0,4%, kết phiên đứng tại mức giá 22.700 đồng/CP và khớp 6,82 triệu đơn vị. Còn OIL vẫn giữ sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,7%, kết phiên đứng tại mức giá 14.700 đồng/CP và khớp 1,77 triệu đơn vị.
Các mã nhỏ PVX, QBS và POM vẫn giảm sâu, với khối lượng giao dịch đạt trên dưới 2,5 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN30F2408 giảm nhẹ 10,6 điểm, tương đương -0,8% xuống 1.297,1 điểm, khớp hơn 224.760 đơn vị, khối lượng mở 41.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CVHM2313 có thanh khoản tốt nhất đạt 3,95 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 33,3% lên mức 80 đồng/cq; tiếp theo là CMSN2313 khớp 3,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,3% xuống 360 đồng/cq.