Áp lực thuế quan sẽ tác động ra sao tới các ngân hàng Việt?

Ngày 2/4, Mỹ gây bất ngờ khi công bố mức thuế đối ứng 46%, gần như cao nhất đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Dù Tổng thống Trump sau đó tuyên bố hoãn áp thuế trong 90 ngày để tạo không gian đàm phán, thị trường vẫn tỏ ra thận trọng.

Do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (đạt 136,6 tỷ USD năm 2024), động thái này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành như dệt may, điện tử, thủy sản… trong khi đó hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ chịu tác động gián tiếp từ cú sốc thuế quan này.

Tác động gián tiếp từ cú sốc thuế quan

Bàn về động thái áp thuế của Mỹ, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định ngành ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập các doanh nghiệp liên quan giảm sút. Từ đó, tác động đến dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng.

Dù vậy, các chuyên gia VCBS đánh giá tác động là không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% tổng dư nợ toàn hệ thống hay dư nợ FDI chiếm khoảng 2%. 

Theo VCBS, nhóm ngân hàng quốc doanh bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank là nhóm có dư nợ xuất nhập khẩu là FDI lớn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh tiếp cận nhóm FDI như VPBank, Techcombank và MB cũng sẽ gặp những thách thức ngắn hạn trong việc mở rộng tín dụng mảng này.

Nhận định về việc được hoãn thuế, theo các chuyên gia Chứng khoán Vietcap, thông báo này sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế của Việt Nam, từ đó mang lại ảnh hưởng tích cực cho ngành ngân hàng.

"Khoảng thời gian 90 ngày này sẽ giúp các ngân hàng và khách hàng có thêm thời gian cần thiết để xây dựng chiến lược và chủ động thực hiện các hành động nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và vị thế tài chính trước rủi ro từ thuế quan", báo cáo Vietcap cho hay.

  (Nguồn: VDSC)

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định thuế đối ứng của Mỹ sẽ tạo ra những tác động nhất định đến ngành ngân hàng Việt Nam, song không phải là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo TS. Huân, tác động sẽ đến từ việc các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sẽ giảm nhu cầu vay vốn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng sẽ chịu tác động ít hơn so với các ngành trực tiếp liên quan đến xuất khẩu. Lý do được chuyên gia chỉ ra là hệ thống ngân hàng hiện nay phục vụ nhóm khách hàng rất đa dạng, từ doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nội địa cho đến nhu cầu tiêu dùng trong nước, cho nên mức độ tác động không quá lớn.

Theo TS Huân, cú sốc thuế quan mang tính hệ thống (systemic risk), nên sẽ có độ lan tỏa nhất định đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, nhờ đặc điểm là một ngành có tính độc quyền nhóm, do đó tác động đến ngành ngân hàng không nhiều so với nhóm doanh nghiệp. 

Chuyên gia cũng lưu ý, tác động lên ngành ngân hàng có thể đến từ hai khía cạnh bao gồm giảm nhu cầu tín dụng từ doanh nghiệp và khả năng gia tăng nợ xấu nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động và dòng tiền.

Ở góc nhìn của chuyên gia, những ngân hàng chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất sẽ là các ngân hàng có tỷ trọng cho vay nhiều vào các doanh nghiệp xuất khẩu (Vietcombank, Eximbank,...) sẽ bị tác động khi doanh nghiệp gặp khó khăn vì thuế quan.

Ngoài ra, một mảng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng là các dịch vụ liên quan đến kiều hối và ngoại tệ. Những ngân hàng có tỷ trọng lớn về kiều hối hoặc hoạt động kinh doanh ngoại tệ cũng sẽ chịu sức ép. 

 PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: Hạ An). 

Ngân hàng cần chủ động ứng phó rủi ro tín dụng

Trong bối cảnh hiện tại, TS. Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị ngành ngân hàng cần tăng cường công tác quản trị rủi ro tín dụng, đặc biệt là những doanh nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh bởi căng thẳng thương mại hay những khoản cho vay bổ sung vốn lưu động để đánh giá rủi ro. 

Song song đó, các ngân hàng cũng nên xây dựng các kịch bản vĩ mô ứng phó với trường hợp xung đột thương mại leo thang. Đặc biệt, cần tính toán kỹ tác động nếu xác suất xung đột tăng lên 50–70%, qua đó đánh giá mức độ rủi ro theo từng ngành và từng nhóm khách hàng.

Ngoài ra, TS Huân cũng cho biết tỷ giá cũng sẽ là một yếu tố có thể tạo động đến hệ thống ngân hàng.Theo chuyên gia, tỷ giá biến động vừa là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội nếu ngân hàng hiểu rõ thị trường và có công cụ phòng vệ tốt.

"Trên thực tế, trong những giai đoạn chênh lệch lãi suất giữa USD và VND cao, nhiều ngân hàng đã tận dụng cơ hội đầu tư vào tỷ giá, qua đó ghi nhận lợi nhuận khá cao từ mảng kinh doanh này.Vì thế, nếu biết nắm bắt thời cơ, thì đôi khi sẽ mang lại doanh thu cho ngân hàng", ông cho hay. 

Tuy nhiên, nếu tỷ giá biến động quá mạnh, Ngân hàng Nhà nước có thể buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, có thể chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt để ổn định vĩ mô.

Trong kịch bản đó, thanh khoản hệ thống có thể bị siết lại, đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động dự phòng thanh khoản và xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt để tránh rơi vào thế bị động khi thị trường biến động mạnh.

Xem thêm tại vietnambiz.vn