Áp lực tỷ giá sẽ giảm dần

Tác động từ bên ngoài

Mới đây, một quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết, cơ quan này có thể sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 12/2024 khi các dữ liệu về lạm phát tốt hơn. Nếu điều này xảy ra có nghĩa là những tác động của thị trường lãi suất Mỹ tới nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ diễn ra muộn hơn so với dự tính.

Trong khi đó, dự báo đưa ra từ các tổ chức kinh tế cho rằng, khả năng Fed sẽ có 2 lần cắt giảm lãi suất từ nay tới cuối năm. Đơn cử, Ngân hàng UOB đang duy trì quan điểm Fed sẽ cắt giảm 2 lần lãi suất USD, mỗi lần 0,25% vào tháng 9 và tháng 12/2024. Theo UOB, nếu thực tế diễn ra như dự báo thì đây là cơ sở thuận lợi để các nền kinh tế khác có thể cân nhắc cắt giảm hoặc không cần tăng lãi suất chính sách và khi đó, áp lực tỷ giá lên các đồng tiền mới nổi cũng sẽ được giảm bớt. Dù vậy, UOB cũng lưu ý khả năng rất cao là lãi suất USD sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn vài năm tới.

Nhìn gần hơn về khu vực, ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, các ngân hàng trung ương những quốc gia này dự tính chờ đợi thêm các động thái mới và sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Mối lo ngại là tình trạng lạm phát dai dẳng này có thể kéo dài nguy cơ lãi suất duy trì “cao hơn trong thời gian dài hơn”, làm trì hoãn thêm việc cắt giảm lãi suất từ Fed.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, sự suy yếu gần đây của VND trước sự mạnh lên của USD và sự gia tăng tỷ lệ lạm phát trong nước có thể khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong các thay đổi về lãi suất chính sách. Vị chuyên gia này cũng lưu ý, đà tăng trưởng đó có thể sẽ kém hiệu quả hơn trong nửa cuối năm 2024 và tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm.

Tỷ giá VND/USD được giới phân tích dự báo tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như xung đột Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine, chênh lệch lãi suất với Mỹ gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.

Nhằm giảm áp lực tỷ giá, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hút thanh khoản để giảm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, đồng thời bán ra ngoại tệ để can thiệp thị trường, cố gắng thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thông qua đấu giá, bán vàng ra thị trường...

Sức ép sẽ vơi dần

Mặc dù VND đã mất giá gần 5% so với USD tính từ đầu năm 2024 và có thể tiếp tục mất giá trong quý III cho đến khi Fed hạ lãi suất, nhưng theo nhận định của chuyên gia VinaCapital, sau giai đoạn này, tỷ giá sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại, lượng kiều hối về Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt và vốn FDI giải ngân tích cực. Đây là những yếu tố sẽ hỗ trợ bình ổn tỷ giá trong nửa cuối năm nay.

Nhận xét về mức biến động khoảng 5% trong 6 tháng đầu năm 2024 của VND so với USD, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, diễn biến này nằm trong xu thế chung của hầu như toàn bộ các đồng tiền châu Á và các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển vốn liên kết chặt chẽ với USD - là đồng tiền quan trọng nhất trong các hoạt động thương mại, đầu tư, cũng là đồng tiền dự trữ toàn cầu mang tính thanh khoản cao nhất.

Cụ thể, trong 6 tháng qua, đồng Yên giảm 14%, đồng Won giảm 7% và các đồng tiền của Thái Lan, Indonesia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)… cũng mất giá khoảng 6% so với USD. Các ngân hàng trung ương các nền kinh tế này dùng nhiều biện pháp can thiệp thị trường khác nhau trong nỗ lực ổn định vĩ mô, hạn chế dòng vốn ngoại được rút ra và sự mất giá đồng nội tệ. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và cơ quan quản lý cũng phải hành động tương tự.

Theo nhận định của ông Quang, áp lực từ lãi suất USD được duy trì ở mức rất cao trong nhiều năm trở lại đây cùng với sức hấp dẫn từ các tài sản đầu tư gắn với USD sẽ tiếp tục là bài toán khó cho tất cả các cơ quan quản lý các nước, cho đến khi có một dấu hiệu rõ ràng là nền kinh tế Mỹ cần thiết phải có các đợt cắt giảm lãi suất liên tục trong thời gian tới.

“Quan điểm của chúng tôi là VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của CNY và sự suy yếu của USD trên diện rộng, khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng. Chúng tôi kỳ vọng USD sẽ yếu dần so với VND, từ 25.200 đồng/USD trong quý III/2024 giảm xuống 25.000 đồng/USD vào quý IV/2024; 24.800 đồng/USD vào quý I/2025 và 24.600 đồng/USD vào quý II/2025”, chuyên gia phân tích của UOB Việt Nam dự báo.

Tuy vậy, UOB Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mua bán ngoại tệ hợp pháp nên nghiên cứu, phân tích và sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình.

Shinhan Bank cũng đưa ra nhận định, tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ đạt đỉnh trong quý III/2024, trước khi hạ nhiệt dần. Tỷ giá VND/USD bình quân năm 2024 dự kiến ở mức 25.040 đồng/USD.

Lý giải cho nhận định trên, ông Lee Young Hwa - chuyên gia kinh tế cấp cao của Shinhan Bank cho rằng, việc tỷ giá còn chịu áp lực là điều không thể tránh khỏi do các yếu tố bên ngoài như chênh lệch lãi suất với Mỹ, kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và xung đột địa chính trị leo thang.

Theo chuyên gia này, năm 2024, dù các yếu tố cơ bản như hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện, tỷ giá VND/USD vẫn tăng lên mức cao kỷ lục do USD mạnh lên và những diễn biến bất ổn tại Trung Quốc. Về cơ cấu thương mại, Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, do vậy kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi kinh tế Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những nỗ lực hạn chế đà tăng tỷ giá bị giới hạn do các yếu tố tích cực trong nước chỉ xuất hiện sau khi Fed xoay trục chính sách. Với tốc độ lạm phát giảm chậm, triển vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed đã giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, kỳ vọng về việc xoay trục chính sách vẫn còn khi chỉ số CPI tháng 5 cho thấy tín hiệu hạ nhiệt. Cùng với sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong việc bán vàng và ngoại tệ dữ trữ cũng góp phần hạn chế tỷ giá tăng cao. VND sẽ mất giá nhẹ và dự kiến phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ và các yếu tố chi tiêu đầu tư công, dòng vốn FDI… tăng mạnh.

Các chuyên gia phân tích của MBS cho rằng, tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100-25.300 đồng/USD trong tháng 7/2024 nhờ hỗ trợ từ những yếu tố vĩ mô tích cực. Đáng chú ý, các thị trường đang giảm dần kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ cắt giảm lãi suất. Chỉ số DXY gần hết tháng 7 dao động quanh ngưỡng 104 điểm.

Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho hay, trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn không đổi ở mức 3%/năm và 4,5%/năm kể từ tháng 6/2023, dù VND chịu áp lực mất giá khi Fed vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để ứng phó với tình trạng lạm phát Mỹ dai dẳng. Sau một loạt biện pháp can thiệp trên thị trường mở, bán ngoại tệ dự trữ, kiểm soát thị trường vàng, tỷ giá đã có dấu hiệu ổn định trở lại từ giữa tháng 4/2024. Đà tăng CPI có dấu hiệu chững lại trong tháng 5/2024 và vẫn trong ngưỡng mục tiêu 4-4,5%.

Tuy nhiên, theo bà Ly, việc Fed có thể tiếp tục trì hoãn giảm lãi suất, hoặc giảm chậm và nhẹ hơn so với các ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới có thể khiến USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác trong thời gian dài hơn. Khi tỷ giá tăng, hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, sẽ thúc đẩy lạm phát tăng, làm gia tăng áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn