Áp thuế quan đối ứng: Sau 'Trung Quốc +1' sẽ là 'Việt Nam +1'?

Nên gia hạn thời gian áp dụng thuế

Theo kế hoạch của Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức áp thuế đối ứng từ ngày 9/4, đối với hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, loại trừ một số mặt hàng có tầm quan trọng với kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Trong đó, mức thuế đối ứng mà Mỹ áp cho Việt Nam là 46%, thuộc nhóm bị đánh thuế cao nhất.

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Mark Gillin, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh (AmCham) nhận định, quyết định áp mức thuế đối ứng 46% do chính phủ Mỹ công bố vào ngày 2/4 có quy mô lớn và hiệu lực ngay lập tức, hoàn toàn không phù hợp với mục tiêu thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam thông qua chính sách thương mại và kinh tế tự do, công bằng, tạo điều kiện cho năng suất và tính ổn định.

Ông Mark Gillin, Chủ tịch AmCham Việt Nam.

“Việc áp dụng thuế suất một cách đột ngột và ở quy mô lớn đã tạo ra sự bất ổn đáng kể cũng như nguy cơ gián đoạn cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam”, ông cho hay.

Mặc dù đại diện AmCham thừa nhận cần phải giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia song ông cho rằng chính quyền Mỹ cần cân nhắc việc áp dụng thời gian gia hạn.

“Việc gia hạn thời gian áp dụng sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có thời gian thích ứng với quy định mới, giảm thiểu sự gián đoạn không cần thiết và những tổn thất về tài chính. Nếu áp dụng ngay lập tức các mức thuế suất mới, các doanh nghiệp sẽ không thể kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh đã được thỏa thuận trước đó”, đại diện AmCham nhấn mạnh.

Về phía Việt Nam, AmCham khuyến nghị giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam như một giải pháp nhằm giải quyết sự mất cân bằng thương mại và giảm đáng kể mức thuế quan đối ứng.

Ông ông Mark Gillin cho biết, một trong những mục tiêu của chính sách thuế quan đối ứng là mang lại sự cân bằng hơn trong thuế suất mà mỗi quốc gia áp dụng với hàng hóa của quốc gia kia. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng vẫn phải chịu mức thuế cao nhất trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Do đó, các loại thuế áp dụng đối với hàng hóa Mỹ vào Việt Nam ít nhất nên ngang bằng với mức thuế mà Việt Nam áp dụng đối với các đối tác thương mại khác cũng như mức thuế mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, Chủ tịch AmCham khuyến nghị.

“Chúng tôi hy vọng cả hai quốc gia có thể đạt được sự đồng thuận trong việc giảm thuế xuống mức mà cả hai bên coi là cân bằng, nhằm tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan”, ông nói.

Doanh nghiệp FDI liệu có rời đi?

Liên quan đến lo ngại về việc dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ đổi chiều trước áp lực thuế quan, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham cho rằng, nhiều công ty vốn đã có các dự án dài hơi và cam kết dài hạn với Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục. Bên cạnh đó, đại diện AmCham cũng nhìn nhận việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ nước này sang nước khác là không dễ dàng vì chi phí là quá tốn kém. Chi phí cũng chính là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp chọn sản xuất ở Việt Nam thay vì sản xuất ở những nơi khác như Texas hay Úc,…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức thuế quan mới sẽ ảnh hưởng lên kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Trong một khảo sát của AmCham Vietnam vào tháng 2/2025, có 92% doanh nghiệp sản xuất bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bị áp thuế, và gần 2/3 số doanh nghiệp dự kiến sẽ phải sa thải lao động nếu kịch bản xấu nhất xảy ra. Điều này cho thấy rằng thuế quan cao sẽ tạo ra tác động tức thì, khiến các doanh nghiệp FDI phải thu hẹp quy mô để cắt giảm chi phí.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán SHS cũng nhận định, Việt Nam hiện nay dựa vào xuất khẩu như một trụ cột kinh tế, và thị trường Mỹ giữ vai trò đặc biệt quan trọng khi chiếm gần 30% GDP của cả nước. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu này đến từ khối doanh nghiệp FDI nên nếu Mỹ áp thuế quan cao, mối lo lớn nhất của họ chính là việc doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trường hợp Mỹ áp thuế quan cao, các chuyên gia SHS cho rằng, trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp có thể chọn cách giảm sản lượng, điều chỉnh nhân công, nhưng rời đi ngay lập tức là điều khó xảy ra.

Nhiều doanh nghiệp FDI có thể sẽ điều chỉnh lại chiến lược của mình trước hàng rào thuế quan.

Lý giải về nhận định này, chuyên gia của SHS cho biết, việc dịch chuyển sản xuất không phải là quyết định đơn giản, đặc biệt khi nhiều tập đoàn đã đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam.

“Hãy nhìn lại năm 2018 – khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, dòng vốn FDI đã đổ mạnh vào Việt Nam, biến nơi đây thành một điểm đến thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tính đến đầu năm 2025, hơn 60% trong tổng 500 tỷ USD vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất – một con số minh chứng cho cam kết lâu dài của các nhà đầu tư. Một khi đã đặt nền móng vững chắc tại đây, họ khó lòng từ bỏ nếu lợi thế chưa hoàn toàn biến mất”, trích báo cáo của SHS.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy rằng trước sức ép thuế quan, chính quyền và doanh nghiệp thường tìm cách thương lượng và thích ứng hơn là rút lui ngay lập tức. Việt Nam đã từng thành công trong việc đàm phán với Mỹ bằng cách mở rộng nhập khẩu hàng hóa Mỹ và điều chỉnh một số chính sách thương mại, giúp giảm nhẹ áp lực từ các biện pháp trừng phạt, các chuyên gia của SHS nói.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có thể lựa chọn chuyển một phần sản xuất sang các thị trường khác trong môi trường thuế quan cao. Nhiều tập đoàn đang áp dụng mô hình “Trung Quốc +1”, tức là ngoài Trung Quốc, họ thiết lập thêm cơ sở sản xuất tại các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Nếu thuế quan trở thành rào cản, chiến lược này có thể chuyển thành “Việt Nam +1”, tức vẫn duy trì nhà máy tại Việt Nam nhưng mở rộng thêm sang một quốc gia khác để san sẻ rủi ro, thay vì đóng cửa hoàn toàn tại Việt Nam.

“Nhìn chung, thuế quan cao chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp FDI phải đánh giá lại chiến lược của mình. Một số có thể giảm đầu tư mới, tạm ngưng mở rộng hoặc tìm cách chuyển một phần sản xuất sang các thị trường khác.

Nhưng một cuộc rời đi ồ ạt là điều khó xảy ra, nhất là khi Việt Nam vẫn giữ được những lợi thế tương đối trong khu vực. Thực tế đầu năm 2025 đã cho thấy, bất chấp những lo ngại về thuế quan, dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam vẫn tăng gần 49% so với cùng kỳ, chứng minh rằng niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn còn rất lớn”, chuyên gia SHS nhận định.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn