Bà Cao Thị Ngọc Dung: PNJ muốn trở thành thương hiệu trang sức tỷ USD tại Việt Nam
Sáng ngày 16/4/2024, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua mục tiêu kinh doanh với doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2023. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng. Đây đều là những con số kỷ lục đối với doanh nghiệp này. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2024 tiếp tục là 20% bằng tiền.
Lãnh đạo công ty đánh giá bức tranh kinh tế vĩ mô còn đối mặt với nhiều khó khăn đến từ sự căng thẳng địa chính trị trên thế giới, thương mại toàn cầu chưa phục hồi. Ngoài ra, sự tăng trưởng của các quốc gia đầu tàu còn gặp khó khăn. Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức khi là một nền kinh tế có độ mở lớn, hoạt động bán lẻ tiêu dùng, sức mua chung có thể chưa phục hồi như kỳ vọng trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, công ty muốn tối ưu hóa doanh thu tại các cửa hàng, tối ưu chi phí vận hành; đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số, làm mới trải nghiệm và thử nghiệm các mô hình tiếp cận khách hàng hiện đại, thúc đẩy các tiêu chí ESG...
Chia sẻ tại Đại hội, ông Lê Trí Thông – CEO PNJ – cũng nhấn mạnh tham vọng của PNJ sẽ trở thành thương hiệu trang sức tỷ USD trong số các công ty trang sức vàng bạc, đá quý hiện nay.
Bà Cao Thị Ngọc Dung bổ sung: “Giá trị thương hiệu hiện đã đạt gần 500 triệu USD, và Công ty đặt mục tiêu giá trị thương hiệu đạt 1 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, PNJ đang xây dựng các hoạt động ESG để tăng thêm giá trị thương hiệu Công ty”.
Theo PNJ, phát triển bền vững không phải là xu hướng mà nó là cần thiết vì thế giới hiện nay rất bất ổn, cả môi trường cuộc sống cũng biến động. Hiện, PNJ đã có tiểu ban ESG trong HĐQT. Năm 2024, PNJ dành ngân sách 10 tỷ đồng để triển khai các dự án mang tính chiến về ESG.
Ngoài ra, bà Dung cũng cho biết bức tranh năm 2024 thực tế vẫn chưa sáng, nền kinh tế có sự phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng. PNJ sẽ quán xuyến vì bất cứ biến động nhỏ nào cũng có thể biến động đến giá vàng để có giải pháp phù hợp. Hiện, giá vàng tăng thì tài sản tăng cũng gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Năm ngoái, PNJ giữ được đà tăng trưởng của mình trong bối cảnh ngành bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Dù doanh thu của công ty giảm nhẹ 2% còn 33.137 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế vẫn tăng gần 9% lên mức kỷ lục 1.971 tỷ đồng.
Với kết quả khởi sắc năm ngoái, HĐQT PNJ dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%. Số tiền dự chi sẽ là 669 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã tạm ứng đợt 1/2023 tỷ lệ 6% và sẽ còn trả thêm 14% trong năm nay.
PNJ cũng lấy ý kiến cổ đông phát hành thêm 3,3 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ nhân viên có đóng góp tích cực trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2023. Giá bán 20.000 đồng/cp, thấp hơn mức giá trên sàn của cổ phiếu này là 100.000 đồng/cp. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong 12 tháng, 70% sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 24 tháng và 40% sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 36 tháng.
Xem thêm tại cafef.vn