Ba nhà đầu tư lớn bắt tay “nâng đời” cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương. |
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) – Công ty cổ phần TASCO do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã nộp đề xuất Dự ánđầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức PPP tới Ban quản lý dự án 7 – đơn vị được Bộ GTVT làm đầu mối tổ chức triển khai công trình.
Trong văn bản gửi tới Ban quản lý dự án 7, nhóm nhà đầu tư này đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận liên danh Đèo Cả - CII – TASCO là nhà đầu tư lập đề xuất Dự án (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); đồng thời sớm tổ chức mở, đánh giá hồ sơ đề xuất Dự án theo đúng quy định của Luật PPP.
Đèo Cả - CII – TASCO cam kết phối hợp với Cơ quan thẩm quyền chủ trương đầu tư Dự án trong suốt quá trình thẩm định, làm căn cứ để Cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án. Trong trường hợp hồ sơ đề xuất Dự án không được chấp thuận, liên danh Đèo Cả - CII – TASCO chịu mọi rủi ro và chi phí.
Vào cuối tháng 11/2023, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bảo đảm trình Bộ GTVT hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 31/1/2024; báo cáo Bộ GTVT kế hoạch, tiến độ triển khai trước ngày 5/12/2023.
Ban Quản lý dự án 7 sẽ phải tổ chức làm việc với các nhà đầu tư quan tâm, thông báo cụ thể về cách thức phối hợp, thời hạn nộp hồ sơ đề xuất dự án, thành phần hồ sơ và các nội dung khác có liên quan theo quy định tại khoản 1, Điều 27, Luật Đầu tư theo phương thức PPP; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án và triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Đơn vị này cũng được yêu cầu thông báo cho nhà đầu tư quan tâm về kết quả đã nghiên cứu thực hiện, định hướng nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Ban Quản lý dự án 7 phải chủ động xây dựng phương pháp đánh giá và tổ chức đánh giá để lựa chọn hồ sơ đề xuất dự án có tính khả thi, hiệu quả cao nhất trong trường hợp phát sinh tình huống theo khoản 1, Điều 83, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Hiện sức ép sớm nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận rất lớn, bởi đây là “nút cổ chai” của hành lang vận tải đường bộ từ TP.HCM tới Cần Thơ. Cụ thể, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nam bộ với TP.HCM.
Dù Quốc lộ 1 đoạn song song với đường cao tốc đã được đầu tư mở rộng với quy mô 4 làn xe, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại thông thương trong khu vực, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Do lưu lượng xe lớn, mặt đường chỉ 4 làn xe cao tốc và ở đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bố trí làn dừng xe khẩn cấp cách quãng, nên tốc độ khai thác thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày đối với đoạn tiếp giáp TP.HCM, đặc biệt vào cuối tuần và dịp lễ, tết.
Theo thống kê của đơn vị quản lý khai thác, từ thời điểm tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài 50 km, không thu phí (từ ngày 1/1/2019), lưu lượng xe trên tuyến tăng lên trên 35% (trước thời điểm dừng thu phí, lưu lượng trung bình năm 2018 là khoảng 38.500 xe ô tô/ngày đêm); từ năm 2019 đến nay là khoảng 52.350 xe ô tô/ngày đêm, vào dịp lễ, tết, cao điểm có thể tăng đột biến đến 50%.
Đối với đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo báo cáo của nhà đầu tư, lưu lượng xe trung bình năm 2022 (từ ngày 9/8/2022) là khoảng 18.200 xe ô tô/ngày đêm và 6 tháng đầu năm 2023 là khoảng 21.960 xe ô tô/ngày đêm, vào những dịp lễ, tết, cao điểm lên đến gần 40.000 xe ô tô/ngày đêm.
Xem thêm tại baodautu.vn