Ba yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán trong trung hạn?

Báo cáo chiến lược tháng 5 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết chuỗi tăng điểm 5 tháng liên tiếp của VN-Index đã kết thúc vào tháng 4. Áp lực chốt lời dâng cao tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến VN-Index giảm hơn 70 điểm và đóng cửa tại 1.209,52, giảm 5,81% so với tháng trước.

Xu hướng giảm tương tự cũng được ghi nhận trên toàn cầu từ Mỹ, Đức và các thị trường châu Á khác. Điều này phù hợp với quan điểm MASVN đã nhận định trước đó về khả năng thị trường sẽ điều chỉnh, điển hình là ngành ngân hàng, nhưng triển vọng vẫn tích cực do định giá trở lại vùng cân bằng với kết quả lợi nhuận quý I nhiều hứa hẹn.

Nhịp điều chỉnh trong tháng 4 được coi là một sự tái cân bằng cần thiết sau năm tháng tăng điểm liên tiếp. Điều này phù hợp với quan điểm MASVN đã nhận định trước đó về khả năng thị trường sẽ điều chỉnh. Quan điểm này được củng cố thêm bởi mức giảm EPS của VN-Index, sau khi các công ty niêm yết công bố kết quả tài chính sau kiểm toán.

(Nguồn: MASVN).

Mặc dù vậy, nhóm phân tích vẫn lạc quan về triển vọng của VN-Index trong trung hạn dựa trên ba yếu tố.

Thứ nhất, đợt giảm trong tháng 4 đã làm hạ nhiệt định giá của các chỉ số chính, bao gồm VN-Index, VN30 và VN70 (Midcap), đưa định giá trở lại trạng thái cân bằng hơn khi so sánh với tỷ lệ P/E lịch sử trong 10 năm gần nhất.

Thứ hai, kết quả kinh doanh quý I khá khả quan. Mặc dù bức tranh tổng thể có phần trái chiều, tổng lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số (NPATMI) cho VN-Index đã thể hiện sự tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với quý IV/2023. Điều này đã đẩy giá trị tương ứng với tỷ lệ P/E trung bình phục hồi lên trên 1.320 điểm sau khi giảm xuống 1.257 điểm vào ngày 22/04.

(Nguồn: MASVN).

Thứ ba, áp lực bán đã giảm dần từ tuần cuối tháng 4, với lực cầu được củng cố quanh vùng 1.160 đến 1.180 điểm, đặt nền móng cho một xu hướng tăng tiềm năng trong tương lai gần.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2024 của VN-Index có thể lên đến 16,7% so với 2023 theo ước tính của MASVN, dựa trên mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024 từ hơn 280 công ty niêm yết trên HOSE đại diện cho hơn 90% tổng vốn hóa thị trường.

Trong ngắn hạn, tăng trưởng lợi nhuận trong quý I đã góp phần củng cố cho một nhịp phục hồi và tiếp diễn xu hướng tăng trong tháng 5.

VN-Index được kỳ vọng có thể sớm quay trở lại khu vực 1.300 điểm. Tuy nhiên, nhịp phục hồi này dự kiến sẽ đi kèm với những biến động điều chỉnh ngắn hạn để đánh giá lại phạm vi 1.200 đến 1.220 điểm trước khi tiếp tục xu hướng tăng.

Phân tích bối cảnh vĩ mô, MASVN cho biết đang có những yếu tố sáng tối đan xen. Trong đó, đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng chính cho năm 2024, với kế hoạch đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao là 663.810 tỷ đồng trong 2024 (-0,2% so với thực hiện giải ngân năm 2023). Trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 115.900 tỷ đồng (tăng 4,8% so với cùng kỳ; quý I tăng 10,2% so với cùng kỳ), đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới. Theo tính toán, để đạt 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, bình quân trong 9 tháng còn lại phải giải ngân ít nhất 57.000 – 61.000 tỷ đồng/tháng (cao gấp 2,0 đến 2,1 lần so với mức giải ngân bình quân 4 tháng đầu năm).

Nhằm tích cực điều tiết trong bối cảnh tỷ giá tăng vọt trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bắt đầu bán giao ngay đối với USD từ ngày 19/4 và dần điều chỉnh nền lãi suất cho nghiệp vụ thị trường mở và kết hợp nghiệp vụ mua tín phiếu bơm thanh khoản cho thị trường liên ngân hàng (Reverse Repo).

Đến ngày 4/5, tỷ giá bán của Vietcombank cho USD/VNĐ ghi nhận mức mất giá của VND là 4,25% so với đầu năm, hạ nhiệt so với mức 4,31% ghi nhận vào ngày 19/4.

Xem thêm tại vietnambiz.vn