Bắc có Winmart, Nam có Bách Hoá Xanh, cuộc đấu ngành bán lẻ ngày càng gay cấn
WinCommerce, công ty con của Masan Group (mã MSN) vận hành siêu thị Winmart và cửa hàng WinMart+, lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6. Tương tự, Bách Hóa Xanh thuộc Thế Giới Di Động (mã MWG) cũng lần đầu có lãi, đạt gần 7 tỷ đồng trong quý II/2024.
Đến tháng 6/2024, WinCommerce sở hữu hơn 3.670 cửa hàng, trong khi Bách Hóa Xanh có 1.701 cửa hàng. Tuy nhiên, doanh thu của Bách Hóa Xanh đạt gần 19.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, vượt qua con số 15.800 tỷ đồng của WinCommerce.
WinCommerce vẫn tiếp tục kế hoạch mở mới số lượng lớn siêu thị và cửa hàng, trong khi Bách Hóa Xanh tỏ ra thận trọng hơn sau thời gian tái cơ cấu, đóng cửa các điểm bán không hiệu quả. Bách Hóa Xanh thành công ở thị trường phía Nam và chưa có kế hoạch mở rộng ra miền Bắc do thị trường này có những đặc thù vùng miền riêng. Công ty đang tập trung chuẩn bị nguồn lực để có thể mở rộng một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
Định kiến về giá của Winmart dần thay đổi
Với việc giảm giá 20% cho thịt lợn và thịt gà MEATDeli đối với khách hàng là hội viên Winmart - chỉ cần đọc số điện thoại hội viên, Winmart đã tạo ra sự khác biệt lớn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm so với các chuỗi bán lẻ khác như Bách Hóa Xanh, Co.opmart, AEON...
Thêm vào đó, hệ sinh thái của Masan sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu trên 2.000 tỷ đồng gồm Chin-su, Omachi, Kokomi, nước mắm Nam Ngư và Wake-up 247. Do đó, cơ cấu ngành hàng của Winmart tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng tiêu dùng, giúp doanh thu ổn định.
Giống như hầu hết các chuỗi bán lẻ lớn khác, Winmart phát triển nhãn hàng riêng với giá thành hấp dẫn hơn từ 10-20% so với sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, lãnh đạo WinCommerce cho biết, trong năm tới, công ty sẽ giới thiệu 40 nhãn hàng riêng. Hiện tại, các sản phẩm mang thương hiệu WinCommerce đóng góp 8-9% doanh thu, nhưng biên lợi nhuận đang cao hơn 3-5% trong từng nhóm hàng mà WinCommerce so sánh.
Bên cạnh các mặt hàng tươi sống và hàng tiêu dùng được cung cấp bởi các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Masan và nhãn hàng riêng, Winmart cũng hợp tác với các đối tác cung cấp số lượng lớn hàng hóa để mang lại mức chiết khấu cao cho khách hàng.
Trước đây, chuỗi siêu thị này từng được định vị là chuỗi bán lẻ có mặt bằng giá cao hơn thị trường. Đến nay, các siêu thị và cửa hàng đã giảm 6 điểm phần trăm về chỉ số giá và tự tin rằng mức giá hiện tại có tính cạnh tranh với các đối thủ lớn. Winmart tập trung vào các chương trình khuyến mãi được cá nhân hóa theo thời gian thực để giành được khách hàng, thu hút thêm lưu lượng khách đến các điểm bán, kéo theo sự tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng.
Thậm chí, tại thị trường nông thôn, WinCommerce đã có những sản phẩm có thể cạnh tranh về giá với các cửa hàng truyền thống.
Đến cuối quý II/2024, WinCommerce có hơn 3.544 cửa hàng mini (WMP), tăng 43 cửa hàng so với cuối năm 2023, và 129 siêu thị (WMT), giảm 3 siêu thị so với cuối năm 2023. Trong nửa đầu năm 2024, WinCommerce tập trung vào việc chuyển đổi các cửa hàng Winmart+ hiện hữu sang mô hình WIN tại khu vực thành thị và Winmart+Rural tại khu vực nông thôn.
WinCommerce có kế hoạch mở mới 400-700 cửa hàng và siêu thị trong năm nay, tùy vào tình hình thực tế. Nếu thành công, toàn hệ thống sẽ có hơn 4.000 cửa hàng vào cuối năm nay, tương đương mỗi ngày sẽ xuất hiện thêm một điểm bán mới. Theo tính toán của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), doanh thu bình quân hàng ngày của cửa hàng WIN và WinRural dự kiến tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 26,3 triệu đồng và 15 triệu đồng.
Bách Hóa Xanh tìm được công thức thành công
Thành lập từ năm 2015 trong quá trình Thế Giới Di Động tìm kiếm động lực tăng trưởng mới khi thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ và điện máy dần bước vào giai đoạn bão hòa, Bách Hóa Xanh hiện là chuỗi bán lẻ đứng thứ 2 trên thị trường về số lượng cửa hàng và siêu thị, chỉ sau Winmart.
Doanh thu nửa đầu năm 2024 của Bách Hóa Xanh đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từng đạt được kể từ khi hoạt động. Riêng trong quý II/2024, doanh thu của Bách Hóa Xanh đạt khoảng 10.300 tỷ đồng. Kết quả, Bách Hóa Xanh đạt 7 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II.
Theo cập nhật tình hình kinh doanh 7 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động, chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 23.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ. Riêng tháng 7, doanh thu đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ so với tháng liền trước. Cả hai ngành hàng tươi sống và FMCG đều duy trì mức tăng trưởng hai chữ số so với tháng 7/2023.
Đáng chú ý, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đạt đỉnh 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, con số cao nhất từ trước đến nay, ngoại trừ giai đoạn tháng 7/2021 khi doanh thu đột biến do dịch COVID-19.
Để đạt được mức doanh thu kể trên, Bách Hóa Xanh đã thực hiện chiến lược từ đầu năm là tăng trưởng doanh thu và tập trung tối ưu chi phí, đặc biệt trong hai mảng lớn là chi phí vận hành cửa hàng và chi phí logistics. Dù sức mua tiêu dùng được đánh giá là không tăng hoặc tăng không mạnh, nhưng lợi thế của Bách Hóa Xanh là xu thế chuyển dịch từ kênh truyền thống sang hiện đại vẫn đang tiếp diễn.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết, Bách Hóa Xanh là đơn vị đầu tiên bước vào quá trình tái cấu trúc của tập đoàn, với số cửa hàng bị cắt giảm lên đến 900. "Doanh thu của Bách Hóa Xanh đã cao hơn thời điểm còn 2.600 cửa hàng; đó là khái niệm giảm lượng – tăng chất", ông Tài nói.
Ông Tài cũng cho biết chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh sẽ là nhân tố "gánh" đà tăng trưởng của toàn MWG trong 5 năm tới. Bách Hóa Xanh sẽ phát triển đến quy mô đủ lớn và niêm yết trên sàn chứng khoán theo cam kết với nhà đầu tư và mong đợi của cổ đông.
Winmart , Bách Hóa Xanh được dự báo còn tăng trưởng mạnh
Theo giới phân tích, mô hình tạp hóa và siêu thị mini như Winmart và Bách Hóa Xanh trong tương lai đều có điều kiện thuận lợi để duy trì thị phần dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Với các đặc điểm phù hợp với tầng lớp đang gia tăng nhanh chóng - giới trẻ (Gen Y, Z), nhân viên văn phòng với thu nhập tốt hơn, dần thay thế thế hệ trước (Gen X) - siêu thị mini có cơ sở tăng thị phần nhanh trong các năm tới từ nền thấp (~7-8%).
Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cả Bách Hóa Xanh và Winmart là mô hình cửa hàng bách hóa có bàn đạp thuận lợi để tạo tăng trưởng cao trong 3-5 năm tới, đặc biệt sau những hiệu quả từ chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ của hai chuỗi.
Đối với Winmart, Masan đặt mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng cho hệ thống WinMart vào năm 2028 với tỷ suất lợi nhuận khoảng 3-5%, dựa trên quy mô khoảng 8.000 cửa hàng và siêu thị. Điều này tương đương với tốc độ tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong 5 năm, so với doanh thu năm 2023 khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt dự báo lợi nhuận năm 2025 của Bách Hóa Xanh có thể tăng 4,7 lần so với 2024, vượt mốc nghìn tỷ đồng, và sẽ gấp 10 lần vào năm 2028. Công ty dự kiến mở rộng mô hình thành công với khoảng 250 cửa hàng mới mỗi năm, nâng tổng số cửa hàng lên hơn 2.700 vào năm 2028.
Ở thời điểm hiện tại, trong cuộc đua tại thị trường bán lẻ với sức mua dự báo tăng trưởng qua các năm, Winmart đang áp đảo về số lượng cửa hàng. Nhưng về hiệu quả trên từng cửa hàng (doanh thu/cửa hàng/tháng), Bách Hóa Xanh đang thắng thế.
Xem thêm tại cafef.vn