Bách Hoá Xanh tuyên bố hoà vốn sau nhiều năm “lỡ hẹn”, quyền Giám đốc Phạm Văn Trọng sắp được nhận lương sau 1 năm cống hiến không lương?

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2023 với doanh thu đạt 118.280 tỷ đồng. Trong khi 2 ngành điện máy điện thoại tăng trưởng âm, điểm sáng đến từ chuỗi Bách Hoá Xanh đóng góp 31.600 tỷ doanh thu - tăng 17% so với năm 2022.

Đáng chú ý, tháng 12/2023, với doanh thu bình quân là 1,8 tỷ/cửa hàng, Bách Hoá Xanh bất ngờ tuyên bố đã đạt mục tiêu hòa vốn sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại và trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi (không bao gồm (i) các chi phí phát sinh một lần đã hạch toán hết trong quý 4 và (ii) một phần chi phí khấu hao liên quan đến nâng hạ diện tích cửa hàng (do tái cấu trúc sẽ giảm dần theo thời gian, Bách Hoá Xanh tự tin sẽ bù đắp được phần này để có lợi nhuận ròng cả năm 2024).

Như vậy, “lời hứa” sau nhiều năm của MWG cũng tạm hoàn thành sau một năm tái cấu trúc quyết liệt. Hơn hết, 2023 cũng là năm ông Nguyễn Đức Tài giới thiệu “tướng” mới dẫn dắt Bách Hoá Xanh. Ông Tài đã mất 15 tháng để đánh giá và lựa chọn ra Giám đốc mới (thay người cũ là ông Trần Kinh Doanh) trong 4 nhân sự chủ lực hỗ trợ ông vận hành Bách Hoá Xanh.

“Người được chọn” là ông Phạm Văn Trọng, đang đảm nhận vị trí cầu nối giữa đội mua hàng và đội siêu thị Bách Hoá Xanh. Ông Trọng được biết cũng là Quyền Giám đốc đầu tiên không nhận lương từ tháng sau khi chính thức nhậm chức.

Tại buổi ra mắt cổ đông hôm ĐHĐCĐ diễn ra hồi tháng 4, ông Trọng cho biết chấp thử thách làm không lương cho đến khi có kết quả. Trong đó, ông Trọng đã tuyên bố 5 cam kết mới của Bách Hoá Xanh, đáng chú ý là mục tiêu “Đưa Trang TMĐT Bách Hoá Xanh là số 1 Việt Nam” và “Đưa Bách Hoá Xanh hoà vốn vào năm nay”.

Vậy, 1 trong 2 mục tiêu lớn hoàn thành, có lẽ ông Trọng sẽ nhận được “phần thưởng” xứng đáng cho sự nỗ lực của mình suốt năm qua.

Bách Hoá Xanh được biết đến là cuộc chơi mới của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) khi hai ngành hàng di động, điện máy đi vào giai đoạn bão hoà. Thực tế cũng chứng minh cho sự "cuồng nhiệt" của đại gia này.

Cửa hàng Bách Hoá Xanh đầu tiên chính thức có mặt trên thị trường từ cuối năm 2015. Cuối năm 2016, Bách Hóa Xanh hoàn tất giai đoạn thử nghiệm với hơn 40 siêu thị tập trung ở quận Tân Phú, Bình Tân, Tp.HCM. Năm 2018, Bách Hoá Xanh cho biết đã tìm ra công thức thành công, đây cũng là năm ban lãnh đạo MWG tuyên bố sẽ dốc sức cho Bách Hoá Xanh, tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ thực phẩm.

Đến năm 2020, Bách Hoá Xanh - theo chia sẻ của ông Tài - đã vươn lên trở thành "bệ đỡ" tăng trưởng chính của cả Công ty, với doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2019 và đóng góp đến 20% tổng doanh thu MWG.

Bách Hoá Xanh tuyên bố hoà vốn sau nhiều năm “lỡ hẹn”, quyền Giám đốc Phạm Văn Trọng sắp được nhận lương sau 1 năm cống hiến không lương? - Ảnh 1.

Với phương châm là điểm mua sắm tiện lợi, cùng giá cả phải chăng, Bách Hoá Xanh đã ghi dấu ấn rất tốt với người tiêu dùng trong những năm đầu. Sang năm 2021, Bách Hoá Xanh tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của MWG: Doanh thu và quy mô cùng đạt đỉnh với 28.000 tỷ đồng, hơn 2.100 cửa hàng toàn hệ thống (gấp 45 lần sau 6 năm).

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế suy thoái khiến sức mua giảm mạnh, chỉ số Công ty cũng quay đầu giảm. Chưa kể, vướng vào khủng hoảng truyền thông giai đoạn cao điểm dịch 2021 và cuộc rời tổ chức của người cầm cương là ông Trần Kinh Doanh, nhiều quan điểm cho rằng Bách Hoá Xanh là bước đi chưa thành công của MWG. Khi, cũng với chiến lược cũ (đã áp dụng thành công tại mảng di động và điện máy), Bách Hoá Xanh trong công cuộc mở rộng quá nhanh đã gặp phải quá nhiều vấn đề, thách thức.

Tăng trưởng nhanh về doanh số, song áp lực đầu tư khiến Bách Hoá Xanh ước tính lỗ khoảng 10% doanh thu mỗi năm. 2022 là năm Công ty lỗ nặng nhất với gần 3.000 tỷ đồng. Luỹ kế giai đoạn từ 2016 đến nay, Bách Hóa Xanh lỗ hơn 8.053 tỷ đồng, trong đó 7.854 tỷ còn có thể chuyển lỗ sang năm sau để bù trừ lợi nhuận (trong vòng 5 năm kể từ ngày phát sinh khoản lỗ).

Dù lỗ, theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023 do Brand Finance thực hiện, Bách hóa xanh đứng vị trí số 29 với giá trị thương hiệu được ước tính ở mức 315 triệu USD (khoảng 7.490 tỷ đồng), tăng 13,2% so với năm ngoái (279 triệu USD).

Đồng thời, Bách hóa Xanh cũng có mặt trong TOP 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam năm 2023 với vị trí số 9, đứng trước VietinBank.

Xem thêm tại cafef.vn