Bài 2: Hai nhóm giải pháp cấp bách cho ‘cơn khát’ nước sạch

Bài 2: Hai nhóm giải pháp cấp bách cho ‘cơn khát’ nước sạch- Ảnh 1.

Giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước

Tiến tới mục tiêu nước uống trực tiếp tại vòi

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, chất lượng nước của một số trạm cấp nước quy mô nhỏ tại các khu đô thị mới, khu chung cư hay tại các giếng khoan còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu quy định như: Chỉ số clo dư thấp, ô nhiễm asen, amoni… Mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập của chất thải.

Chất lượng nước cấp của các nhà máy nước phải tuân thủ theo QCVN 01:2009/BYT với tổng số 109 chỉ tiêu phải xét nghiệm. Việc tuân thủ đầy đủ Quy chuẩn này đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn để đầu tư trang thiết bị và có thể gây biến động về giá nước do tăng chi phí xét nghiệm.

Trước thực tế trên, để bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân, các đơn vị cung cấp nước tại các thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp giám sát chất lượng nước.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) Bùi Thanh Giang cho biết, Sawaco đã triển khai lắp đặt các thiết bị giám sát chất lượng nước trực tuyến cho những chỉ tiêu đặc trưng dễ biến động tại nguồn nước, các nhà máy nước và mạng lưới cấp nước như: độ đục, pH, clo dư, thiết bị giám sát định tính về độc chất có trong nguồn nước, tổng hữu cơ trong nước... Từ đó, đưa ra các giới hạn cảnh báo để có các phương án ứng phó kịp thời khi nguồn nước bị biến động, đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp luôn ổn định và đạt theo quy định.

Đặc biệt, đơn vị này cũng tiến tới mục tiêu cung cấp nước uống trực tiếp tại vòi trên toàn hệ thống. Đơn vị đang chuẩn bị triển khai thí điểm uống nước tại vòi ở hai khu vực: phường Tân Phong, quận 7 và phường 22, quận Bình Thạnh.

Báo cáo đánh giá sự hài lòng đối với chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công ích trên địa bàn TPHCM năm 2022 do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện cho biết, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ cấp nước sạch là 84,9%.

Còn tại Đà Nẵng, ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, Công ty thực hiện giám sát đầy đủ, đảm bảo chất lượng nước sạch đáp ứng yêu cầu theo Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 và Thông tư 26/2021/TT-BYT ngày 15/12/2021 của Bộ Y tế.

Việc kiểm nghiệm được thực hiện tại Trung tâm phân tích kiểm nghiệm (đã được công nhận phòng thử nghiệm phù hợp ISO/IEC 17025:2017) với các thông số nhóm A tần suất 1tháng/1lần, 8 chỉ tiêu nhóm B 1 tháng/1lần và 6 tháng/lần với tất cả các mẫu nước giám sát định kỳ theo quy định.

Cấp nước không phụ thuộc địa giới hành chính

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về các giải pháp đảm bảo nguồn cung nước sạch cho khu vực đô thị, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh cho rằng, công tác quy hoạch cấp nước phải xác định cụ thể nguồn nước bền vững. Các vùng cấp nước, công trình cấp nước cần mang tính liên kết vùng; đồng thời kiểm soát và triển khai thực hiện các dự án cấp nước theo đúng quy hoạch, kế hoạch đặt ra.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước; kiểm soát, có giải pháp phòng ngừa, khắc phục và giảm thiểu các tác động đến hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân.

Tại TP. Hà Nội, theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước trong năm 2024 sẽ tăng khoảng 5-10% so với năm 2023, tùy thời điểm. Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong năm 2024, Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai các giải pháp: duy trì, phát huy tối đa công suất nguồn cấp của các nhà máy nước hiện có, phối hợp điều tiết nguồn cấp giữa các đơn vị cấp nước…

Phó trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Du cho biết, nhà máy nước mặt sông Đà có thể nâng công suất nhờ các biện pháp kỹ thuật như giảm tỉ lệ thất thoát trong dây chuyền xử lý, thu hồi nước rửa lọc… Khi nhà máy hoàn thành công trình xử lý bùn, công suất có thể nâng lên 315.000-320.000 m3 mỗi ngày đêm.

Một nguồn cung bổ sung khác được TP. Hà Nội nêu ra là đưa Nhà máy nước mặt sông Hồng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng vào vận hành trong quý I/2024. Nhà máy diện tích hơn 20 ha, công suất 300.000 m3 mỗi ngày đêm, kế hoạch ban đầu đưa vào khai thác quý I/2021 nhưng đã hai lần dự án bị điều chỉnh lùi tiến độ.

Bài 2: Hai nhóm giải pháp cấp bách cho ‘cơn khát’ nước sạch- Ảnh 2.

Nhà máy nước Cầu đỏ hiện là nơi cung cấp nước chính cho người dân TP. Đà Nẵng

Ngoài việc tăng sản lượng nước, các chuyên gia cho rằng, TP. Hà Nội cần đẩy nhanh các dự án cấp nước, bởi nếu không đẩy nhanh các dự án cấp nước sạch thì nguy cơ thiếu nước sinh hoạt như KĐT Thanh Hà là hiện hữu. Trong bối cảnh việc khai thác nước ngầm phải giảm dần từ 100.000-150.000m3/ngày đêm thì lượng nước cung cấp từ 2 nhà máy nước mặt sông Đuống và sông Đà là rất quan trọng.

Công ty cổ phần Nước sạch sông Đuống, sông Đà cần chuẩn bị các giải pháp kỹ thuật, pháp lý… để vận hành công suất dự phòng tăng 20% công suất thiết kế trung bình của mỗi nhà máy 300.000m3/ngày-đêm, lên khoảng 350.000-360.000m3/ngày - đêm theo thời điểm và kỹ thuật cho phép.

Thành phố cũng sẽ khai thác nguồn nước ngầm để đáp ứng nhu cầu tăng thêm trong năm 2024. Đồng thời, đôn đốc sớm đưa và vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II (Hợp phần 2) nâng công suất lên 600.000m3/ngày - đêm, Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình công suất 300.000m3/ngày - đêm.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn Bùi Thanh Giang cho biết, Sawaco đã ban hành Chương trình hành động về "Đảm bảo an toàn, an ninh cấp nước, hiện đại hóa công nghệ, hướng tới xây dựng hệ thống cấp nước thông minh", nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn 2020-2025.

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động của hệ thống cấp nước tại TPHCM, cấp nước đảm bảo an toàn, liên tục cho hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân thành phố, Sawaco đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý các hồ chứa đầu nguồn lên kế hoạch vận hành tài nguyên nước một cách hợp lý nhất.

Sawaco cũng rà soát, cập nhật các phương án ứng phó với sự cố liên quan đến nhiễm mặn, chuẩn bị các phương án để điều tiết hệ thống cấp nước khi cần thiết. Trong trường hợp độ mặn vượt ngưỡng cho phép dẫn đến phải dừng khai thác nước ở một hay cụm nhà máy nước, Sawaco sẽ tiến hành điều tiết nguồn nước từ cụm nhà máy khác, tăng công suất vận hành của trạm cấp nước dùng nước ngầm đảm bảo cấp nước an toàn liên tục.

Bên cạnh đó, Sawaco cũng đang triển khai các thủ tục để chuẩn bị đầu tư xây dựng Nhà máy nước Kênh Đông II (công suất 250.000 m³/ngày) và Nhà máy nước Thủ Đức IV (công suất 300.000 m³/ngày) nhằm nâng cao công suất phát nước phục vụ nhu cầu phát triển thành phố. Đây cũng là kế hoạch giúp bổ sung nguồn nước dự phòng sẵn sàng bổ trợ cho hệ thống cấp nước theo các kịch bản biến đổi khí hậu, mất nước do sự cố... trong tương lai.

Còn theo ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, dự kiến nhu cầu dùng nước thô ngày cao điểm của thành phố năm 2024 khoảng 330.000 – 360.000 m3/ngày, công suất cấp nước tăng cường tại trạm bơm phòng mặn An Trạch 420.000 m3/ngày.

Như vậy, để đảm bảo cấp nước cho thành phố trong điều kiện nhiễm mặn thì độ mặn tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ phải duy trì nhỏ hơn 1.000 mg/l, với độ mặn dưới ngưỡng này thì việc lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ khoảng 60.000 m3/ngày. Nếu độ mặn lớn hơn 1.000 mg/l dẫn đến thiếu hụt nguồn nước thô thì thực hiện theo quy để tham mưu cho UBND thành phố đề nghị các hồ thủy điện xả nước và vận hành đập dâng An Trạch xả nước về hạ du đảm bảo nguồn nước thô cho các trạm bơm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Trong trường hợp ứng với từng mốc nhiễm mặn khác nhau sẽ xem xét áp dụng kịch bản phù hợp để kịp thời ứng phó.

Như vậy, trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm do nước thải, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho rằng, giải pháp khắc phục suy thoái nguồn nước là phải sử dụng nguồn nước bền vững (các sông lớn, các hồ đập thủy lợi, thủy điện). Bên cạnh đó, khu vực đô thị cần hình thành một số vùng cấp nước theo một hoặc một số nhà máy nước quy mô công suất lớn, có phạm vi cấp nước rộng không phụ thuộc địa giới hành chính; kết nối cấp nước đô thị với nông thôn trên địa bàn một tỉnh hay nhiều tỉnh.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018) được Bộ Y tế ban hành theo Thông tư 41 năm 2018.

Theo Thông tư 41, các viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo tình hình chất lượng nước sạch của các tỉnh trong địa bàn phụ trách theo định kỳ 6 tháng/lần. Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh được giao kiểm tra các đơn vị cấp nước có quy mô từ 500 hộ gia đình trở lên (hoặc công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên).

Trung tâm y tế huyện có trách nhiệm thực hiện ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước có quy mô dưới 500 hộ gia đình (hoặc dưới 1.000 m3/ngày đêm).

Xem thêm tại nguoiquansat.vn