Bán 2 công ty thủy điện, ôm hơn 1.300 tỷ đồng tiền mặt, Gelex sẵn sàng trở thành 'ông chủ mới' tại Eximbank?
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận để Công ty CP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) thông qua giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trong năm 2024.
Nếu giao dịch này thành công, Gelex sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ Eximbank, trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. 10% là tỷ lệ tối đa mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tại một tổ chức tín dụng, theo quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng hiệu lực từ 01/7/2024.
Tính đến đầu tháng 7, theo thông tin Eximbank công bố, Gelex là cổ đông lớn nhất của nhà băng với tỷ lệ sở hữu 4,9%. Theo sau là Chứng khoán VIX và CTCP Thắng Phương, nắm lần lượt 3,58% và 3,07% vốn điều lệ ngân hàng.
Thông tin GEX muốn mua thêm và nâng sở hữu tại Eximbank được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp đang có khoản tiền lớn. Cụ thể, quý II, Gelex ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.103 tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ khoản lãi 996 tỷ đồng từ thoái vốn mảng điện.
Trong diễn giải, GEX cho biết đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của tập đoàn tại các công ty năng lượng cho một đối tác doanh nghiệp. Theo đó, GEX đã không còn quyền kiểm soát tại Công ty TNHH MTV Điện gió Hướng Phùng và Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex Quảng Trị và công ty con.
Phản ánh trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, GEX ghi nhận khoản tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác trị giá 2.860 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân giúp lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư trong kỳ dương hơn 1.000 tỷ đồng trong quý II.
Đồng thời, tiền mặt tại 30/6 của GEX tăng lên 1.323 tỷ đồng, tương đương 57% so với thời điểm đầu năm. Với lượng tiền mặt dư dả và chấp thuận của NHNN, Gelex sẵn sàng cho việc trở thành cổ đông lớn đầu tiên của Eximbank sau nhiều năm.
Ảnh: Internet |
Lãnh đạo Eximbank từng khẳng định ngân hàng không có cổ đông lớn tuy có ảnh hưởng nhưng không đến mức trọng yếu. Điều này khiến Eximbank hoạt động an toàn, ổn định nhưng thiếu đi yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời cũng khiến thượng tầng không tìm được điểm cân bằng.
Hơn một thập niên, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank kéo chân ngân hàng tụt lại khá xa so với các đối thủ cùng thời. Thậm chí “cuộc chiến vương quyền” giữa các ông chủ khiến nhà băng 3 năm liên tục không thể tổ chức ĐHCĐ trọn vẹn.
Sau 11 lần bất thành, phải đến năm 2022, Eximbank mới tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Cũng trong năm này, loạt cổ đông như Thành Công Group, Âu Lạc hay Vinacapital đều thông báo rút khỏi nhà băng.
Đáng chú ý, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông lớn nhất của Eximbank lúc bấy giờ, với tỷ lệ sở hữu hơn 15% vốn điều lệ, cũng đã chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với nhà băng từ đầu năm 2022 và hoàn tất thoái vốn vào năm 2023.
Sau khi các cổ đông lâu năm rời đi, cơ cấu cổ đông của Eximbank trở nên “bí ẩn”, mang tới nhiều lời đồn đoán trên thị trường. Mọi chuyện chỉ minh bạch hơn khi theo quy định mới của Luật các Tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện công bố danh sách các cổ đông sở hữu từ 1% cổ phần trở lên.
Sự xuất hiện của Gelex tại Eximbank vào đầu tháng 7 gây bất ngờ cho nhiều người. Khác với lịch sử từng thâu tóm nhiều doanh nghiệp lớn trong các ngành vật liệu xây dựng hay bất động sản, lần này, Gelex lấn sân sang cuộc chơi mới, với miếng ghép tài chính - ngân hàng còn thiếu trong hệ sinh thái của Tập đoàn.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn