Bàn cờ M&A công ty tài chính: Sàng lọc gắt gao, kiến tạo thế hệ mới
Thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Sau gần một thập kỷ tăng trưởng nóng, nhiều ngân hàng nội địa đang chủ động thoái vốn khỏi các công ty tài chính để cơ cấu lại danh mục, kiểm soát rủi ro và tập trung cho hoạt động cốt lõi. Ở chiều ngược lại, dòng vốn ngoại vẫn âm thầm săn lùng những tổ chức vận hành bền vững, có dư địa tăng trưởng dài hạn.
Loạt công ty tài chính đổi chủ
Những năm gần đây, làn sóng thoái vốn khỏi các công ty tài chính đã diễn ra một cách mạnh mẽ và có hệ thống. Đầu năm 2025, SeABank chính thức chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial – thành viên của Tập đoàn AEON đến từ Nhật Bản. SHB hoàn tất thương vụ bán SHB Finance cho Krungsri (Thái Lan), một mắt xích trong chiến lược mở rộng ASEAN của tập đoàn tài chính này.
Trước đó, VPBank từng gây tiếng vang lớn với thương vụ sang tay 45% cổ phần tại FE Credit cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), tương ứng 1,4 tỷ USD – một trong những thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Thị trường cũng ghi nhận những thương vụ đáng chú ý khác: Công ty tài chính Prudential Việt Nam được chuyển nhượng về Shinhan Card với giá 151 triệu USD; The Siam Commercial Bank (SCB) của Thái Lan thâu tóm Home Credit Việt Nam…
Điểm chung của các thương vụ này là giá trị chuyển nhượng cao, và bên mua đều là các tập đoàn tài chính – bán lẻ quốc tế với chiến lược bài bản về mở rộng hệ sinh thái. Phía ngân hàng nội, sau các thương vụ, cũng thu về nguồn lực tài chính đáng kể để tái cơ cấu danh mục đầu tư, tăng tỷ lệ an toàn vốn, đồng thời tập trung vào những mảng sinh lời dài hạn hơn như quản lý tài sản, ngân hàng số hay đầu tư công nghệ.
Doanh nghiệp kích hoạt thế tăng trưởng cao, thâm nhập khoảng trống M&A
Tuy nhiên, kết quả của các thương vụ M&A cho thấy rằng: Số lượng công ty tài chính độc lập ngày càng khan hiếm. Hiện Việt Nam chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép, phần lớn đã có chủ sở hữu rõ ràng. Trong số còn lại, những tổ chức vừa tăng trưởng tốt, vừa kiểm soát rủi ro hiệu quả, lại có độ minh bạch cao… thực sự không nhiều.
Một vài doanh nghiệp nổi bật trong nhóm này có thể kể đến như VietCredit (UPCoM: TIN) với mô hình gọn nhẹ, linh hoạt, tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân. Hay EVF (EVNFinance) - công ty tài chính tổng hợp duy nhất niêm yết trên HoSE.
Trong khi nhiều công ty tài chính trở thành đối tượng của các thương vụ M&A, EVF lại chủ động tìm kiếm đối tác. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống 15%, đồng thời mở room 30–35% cho cổ đông chiến lược quốc tế – động thái được đánh giá là “đón đầu” hơn là “mở bán”.
Điểm tựa cho sự chủ động đến từ nền tảng tài chính bền vững. Năm 2024, EVF ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 561 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,79%, CIR chỉ 10% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 135% – các chỉ số đều nằm trong nhóm tích cực nhất ngành tài chính.
![]() |
Năm 2025, EVF đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng hơn 36%, tổng tài sản dự kiến đạt 80.000 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng tiếp tục mở rộng có chọn lọc ở cả hai phân khúc SME và cá nhân, với nguyên tắc kiểm soát nợ xấu dưới 2%. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng tăng cường phát triển các mảng tài chính xanh và công nghệ tài chính – thông qua việc tài trợ cho năng lượng tái tạo, phát hành trái phiếu xanh và kết nối với các nền tảng ví điện tử, BNPL (Buy Now Pay Later).
Xem thêm tại nguoiquansat.vn