Bản đồ tỷ đô tại Hà Nội: Hoàn Kiếm là địa bàn của nhóm Ngân hàng, 1 công ty họ Vingroup chuyển nhà phút chót, lý do FPT 'ôm' Cầu Giấy
Tính đến thời điểm ngày 31/12/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có 50 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD (tỷ đô), trong đó có 17 ngân hàng.
Nếu nhìn theo khu vực, có 27 doanh nghiệp tỷ đô đăng ký trụ sở tại thủ đô Hà Nội. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tuy đăng ký trụ sở tại Hưng Yên nhưng văn phòng điều hành "đầu não" thực tế cũng nằm tại Hà Nội, còn Vietjet Air (VJC) tuy đăng ký trụ sở tại quận Ba Đình (Hà Nội) nhưng "đầu não" nằm tại Tp.HCM.
"Bản đồ" Doanh nghiệp tỷ đô của Hà Nội tập trung tại các quận trung tâm, gồm Ba Đình (1 đơn vị), Hoàn Kiếm (9 đơn vị), Cầu Giấy (4 đơn vị), Tây Hồ (1 đơn vị), Đống Đa (4 đơn vị), Nam Từ Liêm (2 đơn vị), Long Biên (5 đơn vị) và Đông Anh (1 đơn vị).
Theo đó, Hoàn Kiếm là quận có nhiều trụ sở các đơn vị tỷ đô nhất (ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt thì tất cả đều là ngân hàng), với tổng giá trị vốn hóa thị trường là 56,2 tỷ đô, lớn vượt trội so với các khu vực khác. Nơi đây có trụ sở của 3 ngân hàng lớn nhất thị trường là Vietcombank (VCB, 20,4 tỷ đô), BIDV (BIDV, 10,4 tỷ đô) và Vietinbank (CTG, 8,1 tỷ đô).
Trụ sở chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nằm tại quận Hoàn Kiếm, trên đường Lý Thái Tổ. Quãng đường từ Ngân hàng Nhà nước đến "tổ hợp" trụ sở của Vietcombank, BIDV, Seabank (194 - 198 Trần Quang Khải, 194 Trần Quang Khải), LPBank (210 Trần Quang Khải) chỉ khoảng 300m.
Quận Long Biên – nơi "đóng đô" của các doanh nghiệp họ Vin bao gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE), cùng với Vietnam Airlines (HVN) và Hóa Chất Đức Giang (DGC), ghi nhận tổng vốn hóa 18,6 tỷ đô, là quận lớn thứ 2.
Vingroup chuyển về khu đô thị Vinhomes Riverside (trước kia có tên là khu Đô thị Sinh thái Vincom Village) vào năm 2013 sau khi bán toàn bộ tháp B (khối văn phòng) của toà nhà Vincom Center Hà Nội tại 191 Bà Triệu – vốn đang là trụ sở của mình - cho Techcombank. Địa chỉ này là trụ sở của Techcombank cho đến tháng 1/2023, khi ngân hàng chuyển về số 6 phố Quang Trung (q.Hoàn Kiếm).
Bên cạnh Long Biên thì huyện Đông Anh (đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận) cũng có một 1 công ty tỷ đô là công ty con do Vingroup sở hữu 83%. CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, VEF) là Chủ đầu tư của dự án (1) Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Cổ Loa (Vốn đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng) và (2) Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (Vinhomes Cổ Loa, với tổng vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng).
VEFAC trước ngày 28/11/2024 vẫn đặt trụ sở tại 148 Giảng Võ – nơi đặt Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia trước đây. Sau ngày này, VEFAC mới chính thức chuyển trụ sở về Đông Anh.
Trong khi đó, quận Cầu Giấy là "địa bàn" của Tập đoàn FPT (FPT) và FPT Telecom (FOX). Đây là quận có tổng vốn hóa 17,3 tỷ đô, lớn thứ 3 trên bản đồ.
Trụ sở chính của FPT ban đầu không nằm tại quận Cầu Giấy. Vào năm 2007, Tập đoàn này đã chuyển trụ sở từ 89 Láng Hạ về tòa nhà FPT Cầu Giấy. Năm 2021, FPT hoàn tất chuyển về Tổ hợp toà nhà FPT Tower tại số 10 Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy). Công trình này rất ấn tượng với Với thiết kế mô phỏng hình khối logo của FPT, gồm hai tòa nhà cao 21 tầng và 17 tầng cùng văn phòng trung tâm dữ liệu hiện đại cao 8 tầng. Biểu tượng mã GEN của FPT kết hợp với khối địa cầu được đặt chính giữa sảnh đón tiếp mang hàm ý FPT đã và đang vươn mình ra thế giới. Điểm đặc biệt là quả địa cầu này quay hết 1 vòng trong 13 phút, đúng theo ngày thành lập FPT (13/9/1988).
Năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công nhận khu 8,3 ha tại Duy Tân, Cầu Giấy (Hà Nội) là khu Công nghệ thông tin tập trung thứ ba của cả nước, sau Khu công nghệ phần mềm Quang Trung (TP HCM) và Khu công nghệ phần mềm Đà Nẵng. Với chính sách dành cho khu CNTT, FPT và các công ty con có trụ sở tại khu này sẽ được ưu đãi về tiền thuê đất, miễn, giảm các loại thuế và những ưu đãi khác.
Khu CNTT Cầu Giấy tập trung những doanh nghiệp CNTT mạnh như FPT, CMC, MISA, Hài Hòa, Elcom…
Quận Nam Từ Liêm tuy chỉ vỏn vẹn 2 cái tên nhưng lại là cái tên "rất to", đó là Viettel Global (VGI) với vốn hóa tới 11,2 tỷ đô. Năm 2024 là năm thăng hoa của Viettel Global khi cổ phiếu tăng một mạch từ khoảng giá 26.000 đồng hồi đầu năm lên đỉnh 109.700 đồng, tương đương mức tăng 322%. Tuy mức giá đỉnh đó đã không được giữ vững, VGI vẫn đóng cửa phiên cuối năm tại 91.600 đồng, tăng 252%, là doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất sàn UPCOM.
Xem thêm tại cafef.vn