Bán ròng 2,43 tỷ USD trên sàn chứng khoán, khối ngoại vượt kỷ lục năm 2021
Thêm một phiên xả mạnh
Phiên giao dịch đầu tuần 15/7, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ghi nhận lực bán ròng áp đảo khi chỉ giải ngân 973 tỷ đồng, nhưng bán ròng tới 2.541 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gây áp lực lớn trong bối cảnh nhà đầu tư nội tương đối thận trọng giao dịch kéo thanh khoản tụt xuống sâu.
Đây đã là phiên thứ tư liên tiếp, VN-Index đi lùi, đồng thời, giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng nối dài đà giảm. Tại phiên 15/7, tổng cộng 474 triệu đơn vị cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị đạt 11.305 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng chiều bán ra, khối ngoại chiếm tới 22,4%, tương ứng cứ 100 đồng giao dịch có hơn 22 đồng “về túi" nhà đầu tư nước ngoài.
Giá trị bán ròng của khối ngoại phiên đầu tuần vừa qua đạt 1.670 tỷ đồng trên sàn HoSE và xấp xỉ 1.855 tỷ đồng trên cả ba sàn. Luỹ kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 61.338 tỷ đồng, tương đương 2,43 tỷ USD. Số lượng các phiên bán ròng áp đảo với chỉ khoảng chục phiên hiếm hoi khối ngoại trở lại mua ròng.
Tuy vậy, không riêng Việt Nam, xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng diễn ra tại nhiều quốc gia. Như tại Thái Lan đã sớm vượt con số 3 tỷ USD. Chỉ số SET của Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan có thời điểm giảm xuống dưới mức 1.300 điểm, thấp nhất trong bốn năm trở lại đây.
Tiền đổ về Mỹ nhờ lãi suất đồng đôla neo cao trong thời gian dài, trong khi đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá. Một số quỹ thay đổi chiến lược để đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn, có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn. Theo thống kê của SSI Research, dòng tiền vào ròng các quỹ cổ phiếu 6 tháng đầu năm đạt 225,5 tỷ USD. Trong đó, riêng tháng 6, giá trị vào ròng đạt 49,7 tỷ đồng. Dòng tiền tìm đến thị trường Mỹ trong tháng 6 chiếm tỷ trọng chính, đạt tới 29,5 tỷ USD.
Tâm điểm bán ròng gọi tên VHM, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, FPT, VNM, VRE
Giá trị bán ròng của khối ngoại lớn, đồng thời, cũng có tính tập trung rất cao. Top 10 cổ phiếu bị các nhà đầu tư ngoại bán ròng nhiều nhất có tổng giá trị bán ròng đạt 48.681 tỷ đồng. Còn lại gần 11.480 tỷ đồng bán ròng nằm rải ở các cổ phiếu khác.
Cổ phiếu Vinhomes đứng đầu giá trị bán ròng với lượng tiền thu về xấp xỉ nửa tỷ USD (12.559 tỷ đồng). Cổ phiếu VHM từng xác lập mức thấp kỷ lục về giá vào những ngày cuối tháng 6 (37.500 đồng/cổ phiếu) và hiện vẫn giao dịch lình xình quanh vùng đáy với giá đóng cửa phiên 15/7 ở mức 38.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu FPT chủ yếu bị bán mạnh thời gian gần đây. Chỉ trong nửa đầu tháng 7, giá trị bán ròng của khối ngoại xấp xỉ 2.235 tỷ đồng, tương đương gần 30% tổng giá trị bán ròng. Dù là cổ phiếu bị khối ngoại “xả" mạnh nhất thời gian này, cổ phiếu FPT vẫn đang đi ngang quanh vùng đỉnh, chưa thể bứt lên nhưng vẫn khá vững quanh khoảng 130.000 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng tích cực từ đầu năm (58%), cổ phiếu FPT vẫn đang trong “tầm ngắm" chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài.
Cổ phiếu của Vinamilk cũng bị bán ròng tổng cộng 5.583 tỷ đồng trong sáu tháng rưỡi vừa qua. Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại “ông lớn” ngành sữa ltừng có thời điểm suýt soát 69% hồi cuối năm 2017 đến nay giảm về quanh mốc 50%. Khác với đà tăng mạnh mẽ trước năm 2018, diễn biến giá cổ phiếu VNM 3 năm trở lại đây giao dịch trong khoảng 60.000 - 80.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2023, khi lợi nhuận tăng trở lại trên mức nền nền so sánh thấp, cổ phiếu VNM vẫn giảm 14% trong khi chỉ số chung VN-Index tăng 8%. Cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành sữa giao dịch giằng co quanh biên độ hẹp trong quý II vừa qua.
Top cổ phiếu mua bán ròng từ đầu năm đến 15/7. Nguồn: VietstockFinance |
Ngoài các mã chứng khoán đầu ngành, khối ngoại cũng rút vốn khá nhiều (gần 7.700 tỷ đồng) ở sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF dựa trên rổ danh mục VNDiamond (FUEVFVND). Đây cũng từng là mã chứng khoán “hot" được khối ngoại săn đón.
Tuy nhiên, tại thị trường chứng khoán Thái Lan, trong gần một tháng qua, số lượng chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND01 tăng thêm khoảng 5,5 triệu đơn vị kể từ ngày 19/6 trở lại đây. Đây là chứng chỉ lưu ký dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF (mã FUEVFVND) do Bualuang Securities phát hành và IPO vào đầu tháng 3/2022. Tỷ lệ chuyển đổi DR và chứng chỉ VNDiamond ETF là 1:1.
Từ tháng 9/2023 tới nay, quỹ này cũng có xu hướng mở rộng, tăng thêm 25 triệu chứng chỉ quỹ. Qua đó, tổng khối lượng chứng chỉ quỹ DR FUEVFVND01 đang ở mức cao nhất trong một năm trở lại đây (trên 181 triệu đơn vị). Giá trị giải ngân không lớn nhưng cũng phản ánh một dòng vốn gián tiếp đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua sản phẩm chứng chỉ lưu ký. Chính sách áp thêm thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ đầu năm là một phần nguyên nhân hạn chế nhà đầu tư Thái Lan nhưng dòng tiền từ quốc gia này vẫn có những con đường khác gián tiếp đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bá Huy, CFA - Giám đốc đầu tư - Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) dòng tiền ngoại đi bằng con đường qua các quỹ nội cũng là một trong các nguồn hỗ trợ cân lại dòng bán ròng từ khối ngoại. Cùng đó, dù nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất trong tháng 6 vừa qua, ông Huy kỳ vọng môi trường lãi suất thấp đvẫn sẽ ổn định trong thời gian tới. Dòng vốn nội có thể quay trở lại nhiều hơn khi nhà đầu tư nhận thấy lãi suất khó có cửa tăng nhiều.
Dù tỷ trọng đóng góp vào tổng giá trị giao dịch phiên 15/7 tăng cao, nhưng không nhiều phiên đột biến như trên. Trong báo cáo gần đây của SSI Research, công ty chứng khoán này nhận định hoạt động bán ròng của khối ngoại chưa cho thấy áp lực khi tỷ trọng đóng góp của khối ngoại vẫn chỉ quanh 9,6% trong nửa đầu năm 2024. Khối nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch sôi động trong bối cảnh lãi suất tiền gửi neo ở mức thấp sẽ hấp thụ tốt lượng cung từ khối ngoại.
Xem thêm tại baodautu.vn