Bán ròng 6 tỷ USD trong 2 năm nhưng khối ngoại vẫn lãi bằng lần với loạt siêu cổ phiếu, tỷ suất lợi nhuận vượt cả S&P500
Với sức ép từ mức thuế suất 46% của Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bay 210 điểm chỉ trong vòng 4 phiên giao dịch, Vn-Index lùi từ vùng giá chật vật mãi mới có được 1.320 điểm tuần trước đến chiều nay còn 1.110 điểm, tương ứng giảm 16%.
Thành trì 1.200 điểm liên tục bị đánh bại dù đã đạt được từ năm 2007. Kể từ đó đến nay đã 16 năm nhưng chỉ số vẫn loanh quanh tại vùng 1.200 - 1.300 trong khi nhiều chỉ số các thị trường khác như S&P500 đã tăng gần 4 lần.
Chia sẻ góc nhìn về điểm số của Vn-Index, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings nói rằng tại thời điểm năm 2027, Vn-Index từng cán mốc 1.200 điểm với P/E lên tới 26x. Chủ yếu do dòng vốn ngoại đổ vào quá mạnh vì tâm lý FOMO sợ bỏ lỡ cơ hội khi Việt Nam gia nhập WTO. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lên tới 5,3 tỷ USD tuy nhiên sau đó thị trường điều chỉnh mạnh và VN-Index lùi sâu về 234 điểm.
Theo tính toán của FiinGroup, nếu chỉ tính những cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài ưa thích thì các cổ phiếu này thực tế đã tăng với mức Index khoảng 2255 điểm.
Nhóm cổ phiếu khối ngoại ưa chuộng gồm các cổ phiếu niêm yết trên HoSE có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 15% trở lên và giá trị vốn hóa đạt tối thiểu 50 triệu USD. Tại thời điểm cuối tháng 3/2025, nhóm này gồm 65 cổ phiếu, chiếm 56% tổng vốn hóa trên HoSE. Chỉ số này được FiinGroup tính toán theo trọng số tổng vốn hóa tương tự phương pháp tính của VnIndex, dựa trên giá điều chỉnh cuối ngày.
Thực tế, dù VN-Index không tăng nhưng những cổ phiếu được khối ngoại nắm giữ nhiều như: FPT, VNM, MWG, PNJ, REE, VHM… vẫn tăng rất mạnh, cụ thể là tăng 4x trong 10 năm và tăng gần 5x trong 18 năm. Nên nhìn vào câu chuyện này, ông Thuân cho rằng đại bộ phận nhà đầu tư nước ngoài vẫn có lãi tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian dài như vậy và tỷ suất lợi nhuận không kém gì hoặc thậm chí còn hiệu quả hơn của chỉ số S&P500 hoặc Dow Jones Average Index trong cùng khung thời gian 18 năm qua.
"VN-Index là chỉ số tổng hợp (all-share index), được tính theo giá trị vốn hóa toàn thị trường, bao gồm cả nhiều cổ phiếu nhỏ hoặc siêu nhỏ hoặc kém thanh khoản. Việc chỉ số không tăng mạnh không có nghĩa là tất cả cổ phiếu đều không tăng giá trong những năm qua", ông Thuân nhấn mạnh.
Mặc dù hiện khối ngoại vẫn bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng điểm tích cực là các cổ phiếu khối ngoại yêu thích hiện có định giá rất hấp dẫn, P/E chỉ còn ~12x – thấp hơn nhiều so với trung bình quá khứ. Do đó, khi thị trường chứng khoán Việt Nam có những thay đổi và cải thiện lớn như nâng hạng lên mới nổi hoặc có thêm nhiều cơ hội như IPO (Initial Public Offering) hay thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hơn thì một thế hệ nhà đầu tư nước ngoài mới sẽ có thể sớm tham gia hoặc quay lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng trong tháng 3/2025 với tổng giá trị bán ròng là hơn 10,9 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị bán ròng của các ETF chiếm khoảng 21,8% tổng giá trị bán ròng. Lũy kế 3 tháng năm 2025 tổng giá trị bán của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 27,9 nghìn tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần giá tổng giá trị bán ròng của cùng kỳ năm 2024. Trong tháng 3/2025, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 9,8 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE, 508 tỷ đồng trên sàn HNX và 582 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Tính từ ngày 1/4/2023 đến ngày 9/4/2025, khối ngoại bán ròng tổng cộng 156.000 tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương với khoảng 6 tỷ USD.
Về triển vọng lợi nhuận năm 2025 của doanh nghiệp niêm yết vẫn dự kiến tăng trưởng cao với số dự báo bình quân của giới phân tích ở mức tăng 18% và 10% chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đặt ra của lãnh đạo doanh nghiệp.
Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy top 3 ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao là Bán lẻ (29%), Tài nguyên cơ bản (28%), Y tế (26%); trong khi đó top 3 ngành có triển vọng thấp nhất là Du lịch & Giải trí (-64%), Hàng & Dịch vụ Công nghiệp (-20%), Hóa chất (-16%).
Cũng theo số liệu từ FiinGroup, một số ngành có rủi ro tái cấp vốn lớn so với các ngành có khả năng huy động nợ vay cao hơn như Bất động sản dân cư, Xây dựng, Năng lượng, Thép; trong khi đó nhóm ngành có cơ cấu vốn tốt hơn và có dư địa để huy động thêm nợ vay mới gọi tên Kho bãi & Cảng biển và Bất động sản Khu Công nghiệp.
Xem thêm tại vneconomy.vn