Bán ròng kỷ lục hơn 2,5 tỷ USD trong 8 tháng, dòng vốn ngoại bao giờ quay trở lại?

Trong 8 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt tiếp tục phục hồi tích cực từ vùng giá thấp nhất từ đầu năm, xác lập đỉnh của năm trên mốc 1.300 điểm vào giữa tháng 6/2024 và hiện chỉ số đang biến động nhẹ trên mốc 1.280 điểm. Tính chung 8 tháng, chỉ số VN-Index đã tăng xấp xỉ 154 điểm, tương ứng tăng 13,62%, tức tăng tốt hơn so với cùng thời kỳ của năm 2023 là 217 điểm.

Trái với diễn biến khá khả quan của thị trường chung, giao dịch nhà đầu tư ngoại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện khi áp lực bán ròng mạnh mẽ được duy trì xuyên suốt trong các tháng, ngoại trừ duy nhất tháng 1/2024 giữ được trạng thái mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Trong khi đó, tháng bán ròng thấp nhất rơi vào tháng 2 cũng đạt gần 1.500 tỷ đồng và tháng 5 là tháng bán ròng mạnh nhất với giá trị lên tới hơn 19.000 tỷ đồng.

Tổng cộng 8 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng tới 64.426 tỷ đồng, tương đương hơn 2.556 triệu USD, gấp gần 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là vượt qua kỷ lục bán ròng của cả năm – là năm 2021 với giá trị bán ròng đạt hơn 60.000 tỷ đồng.

Trong đó, danh mục bán ròng mạnh tập trung khá nhiều những cổ phiếu có thị giá cao hoặc bluechip. Cụ thể, riêng cổ phiếu VHM bị bán ròng tới hơn 15.150 tỷ đồng; cổ phiếu FPT bị bán ròng gần 6.599 tỷ đồng, VRE bị bán ròng gần 4.750 tỷ đồng.

Ngược lại, danh mục mua ròng mạnh nhất lại tập trung chủ yếu là các mã giao dịch trên UPCoM, như BHI được mua ròng gần 1.630 tỷ đồng, IDC được mua ròng gần 1.370 tỷ đồng, AIC được mua ròng hơn 1.260 tỷ đồng. Ngoài ra, trong top này có sự xuất hiện của cổ phiếu MWG với giá trị mua ròng đạt 1.566 tỷ đồng.

Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên 3 sàn trong 8 tháng năm 2024

Tháng

Khối lượng (triệu đơn vị)

Giá trị (tỷ đồng)

Mua

Bán

Mua-Bán

Mua

Bán

Mua-Bán

1

1.197

1.083

114

31.083

29.931

1.152

2

1.207

1.242

-35

31.797

33.252

-1.455

3

1.742

2.038

-296

53.523

64.478

-10.955

4

1.631

1.803

-172

46.838

52.164

-5.326

5

1.303

2.000

-697

37.960

57.001

-19.041

6

1.366

1.808

-442

39.644

56.384

-16.740

7

1.370

1.562

-193

45.651

53.938

-8.287

8

1.176

1.465

-289

40.670

44.444

-3.774

Tổng

10.991

13.000

-2.009

327.166

391.592

-64.426

Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khối ngoại bán ròng thời gian qua. Trước tiên, có thể kể đến những bất ổn về kinh tế và địa chính trị toàn cầu đã tạo ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách tiền tệ tại các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, cũng gây áp lực lớn lên dòng vốn, khiến các nhà đầu tư phải rút tiền ra khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu của các quỹ đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng, khi họ bán các cổ phiếu vốn hóa lớn để tái định hướng danh mục đầu tư. Điển hình như việc chốt lời cổ phiếu FPT là điều dễ hiểu và hợp lý khi mã này tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital chia sẻ tại một cuộc hội thảo gần đây, chứng khoán Việt Nam bị khối ngoại bán ròng hơn 2 tỷ USD từ đầu năm 2024 đến nay là con số rất lớn, nếu thị trường không được nâng hạng thì khả năng cao sẽ tiếp tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.

Tuy nhiên, để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam cần cải thiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Về vấn đề này, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, mục tiêu nâng hạng do vậy cần đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt là giải pháp cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (pre-funding) và room cho nhà đầu tư nước ngoài

Trong đó, pre-funding sẽ là một bước quan trọng để tăng tính thanh khoản và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho quá trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI và FTSE, đặc biệt khi Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025 và quỹ chỉ số lớn nhất đầu tư vào thị trường cận biên đã dừng hoạt động (Quỹ iShare Frontier ETF).

Mới đây, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa qua đã công bố Dự thảo thông tư sửa đổi liên quan đến việc pre-funding. Chính sách này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng của FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán và xử lý các giao dịch thất bại.

Theo đánh giá của SSI Research, thông tư sửa đổi về vấn đề pre-funding kỳ vọng sẽ được triển khai ngay trong quý IV/2024 và là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9/2024, và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Đây sẽ là yếu tố tích cực, hứa hẹn thu hút thêm dòng vốn ngoại trong tương lai.

Trong ngắn hạn, áp lực bán của khối ngoại sẽ giảm bớt khi các quỹ đầu tư đã hoàn tất tái cơ cấu danh mục. Thêm vào đó, Mỹ đang trong quá trình chuẩn bị hạ lãi suất, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn quay trở Việt Nam.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn