Bán tháo, 'đánh úp' phiên chiều 22/4: Nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay – điều gì đang diễn ra?
Phiên giao dịch 22/4 ghi nhận biến động bất ngờ khi áp lực bán tháo xuất hiện đột ngột vào đầu giờ chiều. VN-Index có lúc giảm gần 58 điểm, lùi về 1.149 điểm lúc 13h30, trước khi thu hẹp đà giảm nhờ lực cầu bắt đáy. Thanh khoản tăng vọt, giá trị giao dịch toàn sàn HoSE vượt 31.300 tỷ đồng, tương đương gần 1,6 tỷ cổ phiếu – mức cao hiếm thấy kể từ đầu năm.
Đến cuối phiên, chỉ số phục hồi về 1.197 điểm, giảm 10 điểm so với tham chiếu. VN30 chỉ giảm nhẹ 3,9 điểm, cho thấy nhóm vốn hóa lớn đóng vai trò trụ đỡ chính. Trong đó, VHM, VRE và VCB giữ được sắc xanh, hỗ trợ thị trường. Ngược lại, VIC bị bán mạnh trong phiên ATC, giảm thêm 4,1%.
Không phải “sốc” chính sách, VIC mới là tâm điểm
Diễn biến điều chỉnh của thị trường lần này có thể không xuất phát từ thông tin thuế quan Mỹ, vốn đã có động thái lùi thời hạn áp dụng 90 ngày để thương thảo. Thậm chí, việc Mỹ công bố thuế suất cao với sản phẩm năng lượng mặt trời từ Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) cũng không phải là yếu tố gây bất ngờ, bởi đây là kết quả của cuộc điều tra phòng vệ thương mại kéo dài suốt một năm.
Vấn đề tâm điểm, theo giới phân tích, lại đến từ diễn biến giá cổ phiếu VIC – mã dẫn dắt thị trường từ đầu năm. Cổ phiếu này đã có 3 phiên lao dốc mạnh (với 2 phiên giảm sàn liên tiếp, khiến nhà đầu tư lo ngại và kích hoạt chuỗi bán ra trên diện rộng.
Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số” ngày 21/4, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh số tại Chứng khoán VPBankS nhận định: “Nhà đầu tư đang bán cổ phiếu VIC vì hai lý do: Khối ngoại đã bán ra mạnh với giá trị hơn 4.574 tỷ đồng (phiên 17/4) và vì lo ngại sau đợt phát hành trái phiếu lớn của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng mức điều chỉnh hiện tại của VIC vẫn trong vùng cân bằng, sau chuỗi tăng mạnh trước đó. Dữ liệu kỹ thuật cho thấy MA50 của VIC ở khoảng 52.000 đồng, do đó vùng 52.000 – 60.000 đồng/cp có thể là vùng mua tiềm năng.
“Ngay cả trong kịch bản thị trường điều chỉnh 20–30%, VIC chỉ giảm 10–15% và thường bật lại nhờ dòng tiền bắt đáy. Khi các mã dẫn dắt điều chỉnh, thường sẽ xuất hiện cơ hội mua trở lại”. Do đó, vị chuyên gia đồng tình với quan điểm rằng "không nên quá lo lắng khi thị trường giảm vì tài sản tỷ phú còn giảm nhiều hơn".
Chiến lược cho nhà đầu tư: Chọn cổ phiếu dẫn dắt, chốt lời từng phần
Với bối cảnh thị trường hiện tại, ông Đức khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu có vai trò dẫn dắt, thay vì tìm cơ hội ở các mã kém chất lượng: “Trong một năm, cổ phiếu nào dẫn dắt thì thường sẽ giữ vai trò dẫn dắt cả năm. Khi thị trường điều chỉnh, cổ phiếu tốt có dòng tiền hỗ trợ, trong khi cổ phiếu yếu thường bị bán tháo”.
Ông Đức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chốt lời chiến lược: “Nên hiện thực hóa lợi nhuận với 50% danh mục khi lãi đạt 7–10%. Ở Việt Nam, chỉ khoảng 20% thời gian thị trường tăng mạnh, còn lại là đi ngang hoặc rung lắc. Phải chốt lời khi có lãi”.
Diễn biến bất ngờ trong phiên 22/4 một lần nữa cho thấy vai trò tâm lý và dòng tiền lớn với cổ phiếu dẫn dắt như VIC. Với khối lượng giao dịch bùng nổ và dòng tiền bắt đáy quay lại cuối phiên, đây có thể là phiên “rũ cung” kỹ thuật. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng quan sát vùng hỗ trợ kỹ thuật và hành động theo nguyên tắc quản trị danh mục, nhất là trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô chưa hoàn toàn ổn định.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn