Bán tháo dữ dội, lòng tham nổi lên?

Tưởng như chiều nay sẽ có một phiên chốt NAV trong bình yên khi thị trường điều chỉnh nhẹ nhàng, thanh khoản rất thấp. Bất ngờ chỉ trong 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán tăng vọt ở các trụ đã đẩy VN-Index rơi tự do cực nhanh, bốc hơi tới gần 19 điểm trước khi hồi nhẹ lại đợt ATC, còn giảm 13,77 điểm (-1,09%). Thanh khoản riêng chiều nay tăng gần 3 lần so với mức giao dịch buổi sáng, ở mức cao nhất 2 tuần.

Rất nhiều cổ phiếu trụ đã tạo đáy trong thời gian ngắn này, giảm rất sâu: GVR giảm sàn, TCB giảm 4,05%, VPB giảm 2,11%, MWG giảm 2,84%, SSB giảm 2,85%, SSI giảm 1,6%. Điều khá may mắn là vẫn có trụ giảm rất nhẹ như VIC chỉ mất 0,24%, VCB giảm 0,23%, VHM giảm 0,8%. Các trụ này có tác dụng “giảm xóc” cho VN-Index.

Nhịp giảm quá nhanh trong thời gian ngắn từ khoảng 2h15 trở đi đã khiến rất nhiều lệnh mua rải ở các bước giá thấp được khớp. Đây là lý do tại sao thanh khoản lên rất cao nhưng giá lại càng lúc càng giảm sâu. Chỉ khoảng 3 phút cuối của đợt liên tục và đợt ATC, thanh khoản mới có sự chủ động tốt hơn. Tiếc rằng mức giao dịch trong thời gian này trên HoSE chỉ hơn 2 ngàn tỷ đồng, chưa phải là lớn.

Dù vậy tổng thể hôm nay vẫn là một ngày giao dịch khá cao: Giá trị khớp lệnh HoSE và HNX tăng 52% so với phiên trước, đạt 20.125 tỷ đồng, chỉ thấp hơn phiên bán tháo ngày 24/6 với hơn 30.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy đã có lòng tham nổi lên ở mức độ nhất định.

Lực cầu bắt đáy chưa tạo biên độ phục hồi đủ lớn. VN-Index chỉ thoát đáy khoảng 5,2 điểm. MBB vẫn giảm 1,33%, BID giảm 1,93%, HPG giảm 1,91%, SSI giảm 1,02%, STB giảm 1,37%, TPB giảm 1,43%, VPB giảm 1,84%. FPT giảm 1,73%. Những mã này cũng có cầu bắt đáy, nhưng không thể kéo giá hồi lên được rõ rệt, thậm chí là đóng cửa ở giá thấp nhất ngày. Một số khác phục hồi khá như TCB bật lại gần 3,8% còn giảm 0,43% so với tham chiếu; POW đảo ngược 3,11% thành tăng 1,02% so với tham chiếu; GVR lấy lại khoảng 2,1% còn giảm 5%.

Nhiều cổ phiếu xuất hiện thanh khoản rất cao và giá giảm sâu, cho thấy có áp lực bán cực mạnh.
Nhiều cổ phiếu xuất hiện thanh khoản rất cao và giá giảm sâu, cho thấy có áp lực bán cực mạnh.

Ảnh hưởng tiêu cực của đợt bán tháo này vẫn còn rất rõ: Độ rộng VN-Index lúc đóng cửa chỉ có 79 mã tăng/355 mã giảm, trong đó gần 130 mã giảm quá 2% và khoảng 80 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. Về mặt phân bổ vốn, toàn sàn HoSE có 51 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng – chiếm 64% tổng giá trị khớp lệnh sàn – thì 34 mã giảm quá 1% và chỉ có 11/51 mã là xanh. Nhóm giảm giá quá 2% chiếm khoảng 29% giá trị sàn.

Nhà đầu tư nước ngoài lại có một phiên rút vốn cao choáng váng. Khoảng 1.168 tỷ đồng được rút ròng trên HoSE. Đây là mức bán ròng trong ngày cao nhất 7 phiên và là phiên bán ròng ngàn tỷ thứ 5 trong tháng 6 này. Các mã bị bán cực mạnh là FPT -254,9 tỷ, TCB -179,4 tỷ, VPB -127 tỷ, HPG -59,8 tỷ, HDB -58,1 tỷ, MWG -52,5 tỷ, MSN -43,3 tỷ, VRE -35 tỷ, VHM -34,7 tỷ, VHC -33,8 tỷ. Bên mua có KDH +39 tỷ, PC1 +31,5 tỷ, POW +27,7 tỷ, DGC +42,8 tỷ, FRT +26,7 tỷ, VNM +22,3 tỷ, DGW +20,7 tỷ.

Để mất gần 14 điểm hôm nay VN-Index đã thủng ngưỡng 1250 điểm, rơi xuống 1245,32 điểm. Thông thường một mức hỗ trợ được kỳ vọng cao sau khi bị mất sẽ khiến thị trường tiêu cực hơn. Tuy nhiên hôm nay cũng cho thấy có dòng tiền vào bắt đáy khá tốt. Chỉ có điều nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi giá, hơn là mua đuổi. Nếu trong các phiên tới thanh khoản vẫn duy trì mức cao thì có thể giúp hấp thụ lượng cổ phiếu cắt lỗ tốt hơn.

Xem thêm tại vneconomy.vn