Bán tháo tăng vọt, VN-Index giảm mạnh nhất 24 phiên
Áp lực bán bất ngờ dâng cao trong phiên chiều nay, đẩy thanh khoản tăng gấp rưỡi phiên sáng nhưng cổ phiếu giảm giá la liệt. VN-Index kết phiên bốc hơi 12,5 điểm (-0,99%) với số mã giảm giá nhiều gấp 3,4 lần số mã tăng. Nhóm cổ phiếu trụ vẫn là tác nhân chính đẩy thị trường rơi vào tình trạng “xả lũ”.
VN30-Index đóng cửa giảm 1%, chỉ còn 5 mã tăng nhưng tới 24 mã giảm, trong đó 14 mã giảm hơn 1% giá trị. Trong Top 10 vốn hóa của VN-Index, có 6 mã giảm rất mạnh là VCB giảm 1,33%, BID giảm 1,12%, CTG giảm 1,41%, VIC giảm 1,6%, HPG giảm 1,76% và TCB giảm 1,77%.
Tính về ảnh hưởng điểm số, cổ phiếu ngân hàng gây áp lực lớn nhất với VCB, BID, TCB, SSB, CTG. Trong đó, SSB giảm tới 6,08%. Đây là mức giảm mạnh nhất một ngày của SSB kể từ cuối tháng 6/2024, đồng thời đẩy giá cổ phiếu này rơi xuống mức thấp nhất 3 năm. Nhóm ngân hàng nói chung rất tiêu cực, trong 27 mã nhóm này chỉ có 3 mã tăng là TPB, PGB và LPB.
Nhóm cổ phiếu thực phẩm phiên sáng rất mạnh, chiều nay vẫn giữ được màu xanh nhưng nhiều mã cũng đã suy yếu một chút. DBC còn tăng 2,25%, BAF tăng 4,67%, HAG tăng 2,4%, VHC tăng 0,57%, PAN tăng 2,67%, ANV tăng 1,43%, LTG tăng 4,67%, MSN thậm chí đảo chiều thành giảm 0,27%. Dù vậy một số có cải thiện như VLC tăng 3,66%, NAF tăng 5,16%...
Ngay cả nhóm cổ phiếu khỏe nhất thị trường cũng chao đảo thì phần còn lại chắc chắn rơi vào trạng thái tiêu cực. Độ rộng sàn HoSE lúc đóng cửa chỉ còn 94 mã tăng/320 mã giảm, tệ hơn nhiều so với phiên sáng (131 mã tăng/226 mã giảm). Không chỉ vậy, VN-Index buổi sáng mới có 72 cổ phiếu giảm quá 1%, cuối phiên lên tới 137 mã.
Rất nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh khiến giá giảm sâu với thanh khoản cao. Toàn sàn HoSE có 23 cổ phiếu giảm từ 1% tới 4% với thanh khoản vượt quá 100 tỷ đồng mỗi mã. Không có gì ngạc nhiên, nhiều blue-chips xuất hiện thanh khoản lớn như HPG giảm 1,76%, VPB giảm 1,09%, VRE giảm 4,48%, TCB giảm 1,77%, VIC giảm 1,6%...
Nhóm bất động sản, chứng khoán cũng xuất hiện các đại diện rơi vào cảnh bán tháo dữ dội: SSI giảm 1,52% khớp tới 432,5 tỷ đồng; HCM giảm 1,03% khớp 341,1 tỷ; VIX giảm 2,58% với 245 tỷ; VCI giảm 1,45% với 203,6 tỷ; VND giảm 4,61% với 148,6 tỷ; FTS giảm 2,77% với 143,1 tỷ. Bất động sản có PDR giảm 4,69% khớp 305 tỷ; DXG giảm 4,21% khớp 297,8 tỷ; NVL giảm 3,79% với 157,9 tỷ; NTL giảm 5,79% với 126,4 tỷ… Tính tiêng nhóm giảm quá 1% cuối phiên ở HoSE đã chiếm tới 48,6% tổng giá trị khớp lệnh sàn này.
Sàn HoSE chiều nay tăng vọt thanh khoản 55% so với buổi sáng, đạt 8.466 tỷ đồng. Rổ VN30 cũng tăng gần 69%, đạt 4.202 tỷ. So với chốt buổi sáng, cả rổ VN30 còn duy nhất MWG là không thay đổi, còn lại đều suy yếu.
Dòng tiền bắt đáy vẫn hoạt động rất mờ nhạt, chủ đạo là căng lệnh chờ giá. Thống kê tại HoSE chỉ có khoảng 111 cổ phiếu có diễn biến hồi giá đáng kể tối thiểu từ 1% trở lên so với mức thấp nhất phiên. Số lượng này xấp xỉ khoảng 30% tổng số cổ phiếu có phát sinh giao dịch. Việc duy trì được giá cao hơn mức đáy có thể xem là biểu hiện của năng lực mua nâng đỡ của dòng tiền bắt đáy.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều cũng tăng mua chút ít, quy mô giải ngân mới khoảng 786,2 tỷ đồng, tăng 26% so với phiên sáng. Phía bán tăng nhẹ gần 6% với 922,8 tỷ. Như vậy vị thế giao dịch ròng chỉ còn -136,6 tỷ so với -249,2 tỷ trong buổi sáng. Một số mã được mua ròng tốt là VHM +72,8 tỷ, VNM +67,8 tỷ, CTG +50,2 tỷ, VCI +37,9 tỷ, GMD +26,2 tỷ, DGW +26,1 tỷ, BMP +25,3 tỷ, FRT +22,4 tỷ, MWG +24,6 tỷ. Phía bán có MSN -109,3 tỷ, FPT -104,5 tỷ, VPB -78,6 tỷ, HPG -64,1 tỷ, HDB -56,4 tỷ, PDR -37,3 tỷ, HSG -34 tỷ, BID -31,9 tỷ…
Phiên lao dốc mạnh cuối ngày cho thấy sức ép tâm lý đã thúc đẩy hành động bán quyết liệt hơn. Điều này không liên quan nhiều đến diễn biến bên ngoài vì hôm qua chứng khoán Mỹ phục hồi tốt và trong phiên hôm nay các hợp đồng tương lai chỉ số cũng ít biến động.
Xem thêm tại vneconomy.vn