Bản tin kinh tế ngày 1/1/2025

HAGL đã thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu

Bản tin kinh tế ngày 1/1/2025- Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, MCK: HAG, sàn HoSE) vừa công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo đó, ngày 30/12/2024, HAGL đã thanh toán 824 tỷ đồng tiền gốc lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26 do công ty phát hành ngày 30/12/2016. Số tiền còn lại chưa thanh toán là 766 tỷ đồng.

Lý do chưa thanh toán phần còn lại của lô HAGLBOND16.26 là do doanh nghiệp chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty. Thời gian dự kiến thanh toán phần còn lại là vào quý II/2025.

Trước đó, ngày 26/12/2024, HAGL đã chi 200 tỷ đồng để trả một phần gốc lô trái phiếu nói trên.

Được biết, lô trái phiếu HAGLBOND16.26 có giá trị phát hành 6.596 tỷ đồng, lãi suất 9,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, dự kiến đáo hạn ngày 30/12/2026.

Trong một diễn biến khác, HAGL vừa công bố thông tin về việc nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục Thuế tỉnh Gia Lai.

Theo đó, doanh nghiệp đã thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế giá trị gia tăng năm 2023, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2022 và 2023, thiếu tiền thuê đất các năm 2022 và 2023; khai sai nhưng không làm thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và 2023.

Đồng thời, công ty đã không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để tặng. Các vi phạm này xảy ra trong niên độ kế toán các năm 2022 và 2023.

Công ty bị áp tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần đối với hành vi khai sai nhưng không dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và không có tình tiết giảm nhẹ.

Cục Thuế tỉnh Gia Lai quyết định xử phạt hành chính Hoàng Anh Gia Lai số tiền hơn 159 triệu đồng. Đồng thời, công ty phải khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền truy thu thuế gần 722 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế hơn 92,8 triệu đồng.

Số tiền chậm nộp tiền thuế nêu trên được tính đến hết ngày 16/12/2024, công ty có trách nhiệm tự tính và nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế kể từ sau ngày này đến ngày ngày liền kề trước ngày thực nộp số tiền thuế truy thu vào Ngân sách nhà nước theo quy định.

Tổng số tiền Hoàng Anh Gia Lai bị xử phạt hành chính và truy thu là gần 974 triệu đồng.

Theo quyết định này, giảm lỗ lũy kế theo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp còn được chuyển qua năm sau của công ty là hơn 1.685,8 tỷ đồng. Trong đó lỗ phát sinh năm 2019 là hơn 25,9 tỷ đồng, lỗ phát sinh năm 2022 là hơn 458,6 tỷ đồng, lỗ phát sinh năm 2023 gần 1.201,3 tỷ đồng.

TNG nhận án phạt vì chưa đảm bảo điều kiện theo Luật Doanh nghiệp

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (MCK: TNG, sàn HNX) mới đây công bố việc nhận được quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, TNG đã có hành vi bổ nhiệm Tổng giám đốc Nguyễn Đức Mạnh có quan hệ gia đình với người quản lý doanh nghiệp là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời chưa đảm bảo điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 162 Luật Doanh nghiệp.

Do đó, TNG bị xử phạt số tiền 25 triệu đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả là buộc phải miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Đức Mạnh. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Đức Mạnh sinh năm 1983 có trình độ Cử nhân Ngoại ngữ, Cử nhân Công nghệ thông tin và Thạc sỹ tại University of Hawai (Hoa Kỳ). Ông Đức Mạnh là con trai lớn của Chủ tịch Nguyễn Văn Thời và được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc TNG từ ngày 17/5/2020. Ngoài ra, ông Mạnh cũng là Phó Chủ tịch HĐQT TNG.

Tại thời điểm 30/6/2024, ông Nguyễn Đức Mạnh đang nắm 9,8 triệu cổ phiếu TNG, tương đương 8,01% vốn. Chủ tịch Nguyễn Văn Thời nắm 22,7 triệu đơn vị (tỷ lệ 18,53% vốn).

Người con trai còn lại của Chủ tịch Nguyễn Văn Thời là ông Nguyễn Mạnh Linh hiện cũng là Thành viên HĐQT TNG, hiện nắm giữ 719.076 cổ phiếu, tỷ lệ 0,59% vốn TNG.

Điểm b khoản 5 điều 162 Luật Doanh nghiệp có quy định, đối với công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này thì Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc phải đáp ứng một trong số các điều kiện, trong đó có quy định: "Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ".

Trong diễn biến khác, TNG mới đây thông báo ngày 14/1/2025 tới là ngày cuối cùng chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 3 năm 2024. Mức tạm ứng là 4%/mệnh giá, tương đương 400 đồng/cổ phiếu. Ngày tạm ứng là 22/1/2025.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16%

Bản tin kinh tế ngày 1/1/2025- Ảnh 2.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Theo đó, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN yêu cầu các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện.

Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.

Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

NHNN yêu cầu TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động; tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Trong năm 2025, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để hệ thống TCTD cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho TCTD cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế mà TCTD không cần có văn bản đề nghị.

Cổ phiếu YEG của Yeah1 liên tục "nằm sàn"

Sau 7 phiên tăng trần, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (MCK: YEG, sàn HoSE) liên tiếp chịu áp lực điều chỉnh. Kết phiên ngày 31/12/2024 mã này giảm kịch sàn xuống 18.600 đồng/cổ phiếu và dư bán tới hơn 2 triệu đơn vị và trắng bên bán.

Khối lượng giao dịch của YEG trong phiên này là hơn 3,4 triệu đơn vị, giá trị vốn hóa của Yeah1 hơn 2.548 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 30/12/2024 cổ phiếu YEG có giá đóng cửa là 20.000 đồng/cổ phiếu, giảm 0,5% so với giá kết phiên ngày 27/12/2024.

Trong 2 phiên giao dịch ngày 26/12/2024 và 27/12/2024, cổ phiếu YEG cũng nằm sàn và dư bên bán hàng triệu đơn vị.

Như vậy, chỉ trong 4 phiên giao dịch, thị giá của cổ phiếu YEG đã "bốc hơi" 20%.

Đây là diễn biến bất ngờ bởi cổ phiếu này vừa trải qua chuỗi 7 phiên "tím trần" liên tiếp từ ngày 17/12/2024 đến 25/12/2024, đẩy thị giá YEG tăng từ 14.600/cổ phiếu lên 23.200 đồng/cổ phiếu, tức tăng khoảng 59% sau 7 phiên. Khối lượng giao dịch trung bình 6,3 triệu cổ phiếu/phiên.

Theo giải trình của Yeah1, cổ phiếu YEG tăng trần 5 phiên liên tiếp là do diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán. Giá giao dịch cổ phiếu do thị trường quyết định và nằm ngoài sự kiểm soát của công ty.

Các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, theo kế hoạch đã đề ra và không có bất kỳ sự biến động bất thường nào.

Yeah1 cam kết không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu YEG trên thị trường chứng khoán.

Trong thời gian qua, công ty đã tích cực tái cấu trúc toàn diện hoạt động, tối ưu hoá bộ máy quản lý, vận hành cũng như tập trung phát triển các mảng kinh doanh chủ lực, trong đó có mảng sản xuất và phát sóng các chương trình trên nền tảng kỹ thuật số, các chương trình truyền hình chất lượng cao và nhận được sự ủng hộ từ đông đảo khán giả chương trình và tạo được hiệu ứng truyền thông xã hội to lớn.

Sự thành công của các chương trình và các mảng kinh doanh khác đã góp phần vào việc cải thiện kết quả kinh doanh của công ty so với thời điểm trước.

PV

Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn