Bản tin kinh tế ngày 15/4/2025

ACB 'hút' 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu

Bản tin kinh tế ngày 15/4/2025- Ảnh 1.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HN X), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa có công bố về kết quả phát hành trái phiếu.

Theo đó, ngày 10/4/2027, ACB phát hành 1.000 trái phiếu mã ACB12502 (VSDC sẽ cấp mã chính thức sau khi ACB hoàn thiện Hồ sơ đăng ký tại VSDC) mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng.

Với kỳ hạn 2 năm, lô trái phiếu trên dự kiến đáo hạn ngày 10/4/2027.

Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 2 mà ACB phát hành trong năm 2025 (theo công bố trên HNX). Trước đó, ngày 26/3 ACB đã hoàn tất chào bán 1.500 trái phiếu mã ACB12501 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, qua đó huy động 1.500 tỷ đồng.

Trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 5,6%/năm, có kèm điều khoản mua lại trước hạn theo thỏa thuận.

Như đã đưa tin, ngày 17/3, ACB công bố Nghị quyết số 1109/TCQĐ-HĐQT.25 về việc thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm tài chính 2025.

Theo đó, ACB dự kiến phát hành tối đa 200.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng mệnh giá tối đa lên đến 20.000 tỷ đồng.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Trái phiếu sẽ được phát hành thành 10 đợt bằng phương thức phát hành riêng lẻ theo phương thức đại lý phát hành và/hoặc bán trực tiếp cho nhà đầu tư. Kỳ hạn trái phiếu tối đa là 5 năm.

Tùy theo nhu cầu của thị trường, Tổng Giám đốc quyết định lãi suất trái phiếu là lãi suất cố định; hoặc lãi suất thả nổi được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Thanh toán lãi trả sau, định kỳ 12 tháng/lần.

Được biết, mục đích ACB phát hành trái phiếu lần này nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN.

Trong một diễn biến khác, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 diễn ra vào sáng 8/4, ACB đặt kế hoạch năm 2025 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước.

Tổng tài sản dự kiến tăng 14%, đạt gần 985.000 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16%, đạt hơn 673.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.

Hai lãnh đạo Sữa Quốc tế Lof bán ra cổ phiếu IDP

CTCP Sữa Quốc tế Lof (MCK: IDP, sàn UPCoM) vừa công bố kết quả giao dịch cổ phiếu của hai lãnh đạo doanh nghiệp này.

Cụ thể, trong ngày 10/4, ông Phan Văn Thắng - Giám đốc tài chính kiêm Kế toán trưởng đã bán toàn bộ 174.998 cổ phiếu IDP (tỷ lệ 0,28%). Cùng ngày, bà Chu Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc cũng bán toàn bộ 15.000 cổ phiếu đang nắm giữ (0,02%).

Cả 2 đều cho biết mục đích nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Trước đó, cả hai cá nhân nói trên đều thực hiện mua vào cổ phiếu trong đợt phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2024. Sau giao dịch, ông Phan Văn Thắng và bà Chu Hải Yến đều không còn nắm giữ cổ phiếu IDP nào.

Được biết, bà Chu Hải Yến sinh năm 1977, có trình độ Thạc sỹ, được bầu vào Ban điều hành IDP vào tháng 6/2020. Ông Phan Văn Thắng sinh năm 1978, được bầu vào Ban điều hành từ tháng 5/2016.

IDP là một trong số ít cổ phiếu trên sàn có thị giá 3 chữ số, hiện giao dịch quanh 213.000 đồng/cổ phiếu. Đáng nói, thanh khoản cổ phiếu này rất thấp do cơ cấu cổ đông "cô đặc". Tuy nhiên trong phiên 10/4, cổ phiếu IDP ghi nhận thanh khoản đột biến, với gần 152.500 cổ phiếu khớp lệnh.

Ngày 28/3 vừa qua, IDP đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025. Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 2025 đạt 8.400 - 8.800 tỷ đồng, tương ứng tăng 10-14% so với thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, IDP chỉ kỳ vọng lợi nhuận sau thuế từ 360-440 tỷ đồng, giảm 50-59%.

Đáng chú ý, IDP sẽ trình cổ đông phương án mua lại tối đa 3 triệu cổ phiếu, tương đương 5% vốn điều lệ, nhằm giảm lượng cổ phiếu lưu hành và hỗ trợ giá cổ phiếu. Nguồn vốn dự kiến sử dụng từ thặng dư vốn cổ phần hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Sau giao dịch, vốn điều lệ có thể giảm còn 588 tỷ đồng, tương đương hơn 58,8 triệu cổ phiếu lưu hành.

Gia đình Chủ tịch DIC Corp bị bán giải chấp gần 22,5 triệu cổ phiếu DIG

Bản tin kinh tế ngày 15/4/2025- Ảnh 2.

Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG, sàn HoSE) vừa công bố các báo cáo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 10/4/2025 và 11/4/2025, hơn 17,6 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Hùng Cường- Chủ tịch HĐQT DIC Corp đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp.

Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu DIG do ông Cường nắm giữ sẽ giảm từ hơn 82,7 triệu cổ phiếu xuống còn gần 65,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 13,56% xuống còn 10,67% vốn.

Tương tự, bà Lê Thị Hà Thành- mẹ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường cũng bị bán giải chấp gần 3,2 triệu cổ phiếu DIG trong phiên giao dịch ngày 10/4/2025. Qua đó, giảm sở hữu cổ phiếu DIG từ gần 20,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,4%) xuống còn hơn 17,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,89%).

Cũng trong phiên giao dịch ngày 10/4/2025, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Phó Chủ tịch DIC Corp, đồng thời là em gái của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường, cũng bị bán giải chấp 1,7 triệu cổ phiếu DIG.

Trước khi thực hiện giao dịch, bà Huyền đang sở hữu gần 18,2 triệu cổ phiếu DIG, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,98%. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu DIG do bà Huyền nắm giữ giảm xuống còn gần 16,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,7% vốn tại DIC Corp.

Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu DIG mà gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường bị bán giải chấp lên đến gần 22,5 triệu cổ phiếu, tổng giá trị tính theo mệnh giá hơn 224,9 tỷ đồng.

PV

Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn