Bản tin kinh tế ngày 17/11/2024
Sabeco nâng tỷ lệ sở hữu tại Bia Sài Gòn - Miền Tây lên gần 85% vốn
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, MCK: SAB, sàn HoSE) vừa có báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu/chứng chỉ quỹ/chứng quyền có bảo đảm của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ.
Theo đó, Sabeco đã mua thành công hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây (MCK: WSB, sàn UPCoM), bằng phương thức thỏa thuận, giao dịch diễn ra từ ngày 28/10/2024 đến ngày 11/11/2024.
Trước khi thực hiện giao dịch, Sabeco đang nắm giữ hơn 10,2 triệu cổ phiếu WSB, tương đương sở hữu 70,55% vốn tại Bia Sài Gòn - Miền Tây. Sau giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu được nâng mức hơn 12,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn 84,46%.
Theo dữ liệu giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 28/20/2024 ghi nhận giao dịch thỏa thuận gần 1,8 triệu cổ phiếu WSB, tổng giá trị giao dịch là gần 104,4 tỷ đồng. Ngày 7/11/2024, ghi nhận giao dịch thỏa thuận 217.000 cổ phiếu WSB, tổng giá trị giao dịch gần 12,6 tỷ đồng. Ngày 11/11/2024, giao dịch thỏa thuận 100 cổ phiếu WSB, giá trị 5,8 triệu đồng.
Như vậy, ước tính Sabeco đã chi ra khoảng gần 117 tỷ đồng để mua vào số lượng cổ phiếu WSB đã đăng ký.
Trước đó, ngày 22/10/2024, Đại hội cổ đông bất thường lần 1 năm 2024 của Bia Sài Gòn - Miền Tây đã nhất trí thông qua Tờ trình về việc miễn nhiệm chào mua công khai cổ phiếu WSB của Sabeco.
Đồng thời, chấp thuận cho Sabeco nhận chuyển nhượng cổ phiếu WSB từ 7 cá nhân tổ chức. Cụ thể, quỹ AFC Fund sẽ thỏa thuận chuyển nhượng cho Sabeco hơn 1,28 triệu cổ phiếu, tương đương 8,84% vốn, ông Robert Alexander Stone 237,6 nghìn cổ phiếu (1,64% vốn), bà Phạm Thu Ngân 217 nghìn cổ phiếu (1,5% vốn), ông Huỳnh Văn Dũng 175,1 nghìn cổ phiếu (1,21% vốn), ông Đỗ Văn Vẻ 75 nghìn cổ phiếu (0,52% vốn), bà Lại Thị Thu Hiền 21 nghìn cổ phiếu (0,14% vốn), bà Lê Thị Chi 10 nghìn cổ phiếu (0,07% vốn).
Kinh Bắc muốn phát hành 250 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về 6.250 tỷ đồng
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (MCK: KBC, sàn HoSE) vừa công bố Nghị quyết của HĐQT thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
Theo đó, Kinh Bắc dự kiến chào bán 250 triệu cổ phiếu KBC loại cổ phiếu phổ thông, tương đương tỷ lệ 32,57% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành tính theo mệnh giá của đợt phát hành cổ phiếu lần này là 2.500 tỷ đồng.
Giá bán cổ phiếu dự kiến bằng 80% giá đóng cửa trung bình của 30 phiên giao dịch liền trước ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có công văn chấp thuận/xác nhận việc nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của KBC. Tuy nhiên, giá thấp nhất dự kiến là 16.200 đồng/cổ phiếu.
Thời gian dự kiến chào bán trong khoảng từ quý I/2025 đến quý III/2025, sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Kinh Bắc dự kiến chào bán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước với số lượng dưới 100 nhà đầu tư. Theo danh sách cổ đông chốt tại ngày 24/5/2024, đang có 6 nhà đầu tư trong nước và 5 nhà đầu tư nước ngoài dự kiến tham gia mua cổ phiếu KBC trong đợt chào bán lần này.
Nếu đợt phát hành thành công, số lượng cổ phiếu của Kinh Bắc sẽ tăng từ hơn 767,6 triệu cổ phiếu lên mức hơn 1.017,6 triệu cổ phiếu.
Số tiền thu được từ các đợt chào bán sẽ được Kinh Bắc sử dụng để tái cơ cấu các khoản nợ, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tăng cường năng lực tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty.
Tuy nhiên, hiện nay để thực hiện các mục đích trên, đồng thời tính toán đến yếu tố biến động giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường, tổng số tiền Kinh Bắc ưu tiên sử dụng khoảng 6.250 tỷ đồng (tương ứng với mức giá chào bán là 25.000 đồng/cổ phiếu) từ việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu năm 2024 sẽ được công ty phân bổ theo phương án sử dụng vốn chi tiết, thời gian sử dụng vốn dự kiến trong năm 2025.
Cụ thể, Kinh Bắc sẽ dùng 6.090 tỷ đồng để tái cơ cấu các khoản nợ của tổng công ty, trong đó trả nợ gốc và lãi vay CTCP KCN Sài Gòn Bắc Giang 4.428,1 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay CTCP KCN Sài Gòn Hải Phòng 1.462,5 tỷ đồng, Trả gốc vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 105,2 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay CTCP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc 94,2 tỷ đồng.
Còn lại 160 tỷ đồng sẽ được Kinh Bắc bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, trong đó trả lãi vay Ngân hàng Quốc tế Việt Nam kỳ 2025 số tiền 105 tỷ đồng, dùng cho chi phí lưu động khác 55 tỷ đồng.
Cho mượn tài khoản vụ thao túng cổ phiếu GKM, 23 cá nhân bị cấm giao dịch 2 năm
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có Quyết định số 1240/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với 23 cá nhân cho mượn tài khoản dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu CTCP GKM Holdings (mã: GKM, sàn HNX).
Cụ thể, các nhà đầu tư bị xử phạt bao gồm Nguyễn Văn Đạo, Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Phi Điệp, Nguyễn Thị Yến, Hoàng Văn Hải, Hoàng Trường Vinh, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Quang Huy, Đỗ Quang Trung, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Thu, Phạm Ngọc Thuyết, Phạm Thị Cẩm Vân, Hoàng Văn Minh, Nguyễn Văn Tùng, Vũ Thị Nhung, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Giang, Lê Trọng Long, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phạm Sĩ Giang.
23 cá nhân nêu trên đã cho ông Nguyễn Việt Hà mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán (thao túng giá cổ phiếu GKM) trong giai đoạn từ ngày 02/08/2021 - 28/01/2022.
Căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát chưa có cơ sở cho thấy 23 cá nhân nêu trên có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.
Với vi phạm trên, UBCKNN quyết định cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 14/11 đối với 23 cá nhân nêu trên. Đồng thời, cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 14/11/2024.
Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 21/12/2023, UBCKNN đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Nguyễn Việt Hà vì hành vi thao túng giá cổ phiếu GKM.
Cụ thể, từ ngày 02/08/2021 - 28/01/2022, ông Hà đã sử dụng 23 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu GKM nhằm tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu.
Kết quả kiểm tra, tính toán cho thấy ông Hà không có khoản thu trái pháp luật do vi phạm.
Với các hành vi trên, ông Hà bị phạt 1,5 tỷ đồng, đồng thời ông bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 09/10/2023. Đồng thời, ông Hà bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trong 2 năm kể từ ngày 09/10/2023.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GKM đã bốc hơi 80% trong hơn 2 tháng qua, từ vùng giá 35.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 9 xuống vùng 7.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong hai phiên gần nhất 14-15/11, thị giá GKM bất ngờ tăng kịch trần và đang dừng tại mức 6.900 đồng/cổ phiếu.
GKM Holdings (tên gọi cũ là Khang Minh Group) tiền thân là CTCP Gạch Khang Minh, được thành lập năm 2010. Không chỉ đổi tên, Công ty còn chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh từ mảng đá và nhôm sang đầu tư tài chính và quản lý vốn.
Về tình hình kinh doanh, quý III/2024, GKM lãi ròng chỉ 1,5 tỷ đồng, bốc hơi 94% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sụt giảm doanh thu tài chính vì cùng kỳ GKM đã bán cổ phần CTCP đá thạch anh Khang Minh.
Tính chung 9 tháng, lãi ròng của GKM giảm 83% về còn 5 tỷ đồng.
PV
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn