Bản tin kinh tế ngày 17/12/2024
Một doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu bị xử phạt hành chính hơn 460 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Ngày 16/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin, đơn vị này đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu.
Cụ thể, Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu bị xử phạt 92,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Theo Quyết định của UBCKNN, công ty không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN các tài liệu: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2022, năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023, năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024; Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, năm 2023; Báo cáo thường niên năm 2022, 2023; Nghị quyết và Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, 2024.
Doanh nghiệp bị xử phạt hành chính 350 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công ty nộp Hồ sơ đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN năm 2011 nhưng đến nay vẫn không đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu còn bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do chưa lập trang thông tin điện tử theo quy định.
Tổng mức phạt tiền là 462,5 triệu đồng.
Ngoài xử phạt hành chính, Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu bị buộc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày, quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Tael Two Partners Ltd quyết tâm thoái toàn bộ vốn tại Vinasun
Mới đây, Tael Two Partners Ltd vừa có báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) về giao dịch cổ phiếu của người có liên quan của người nội bộ.
Cụ thể, Tael Two Partners Ltd đăng ký bán ra 5 triệu cổ phiếu VNS của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, MCK: VNS, sàn HoSE).
Nếu giao dịch thành công như đăng ký, "ông lớn" nước ngoài sẽ giảm sở hữu từ 7,37% về còn 0%.
Động thái này của Tael Two Partners Ltd diễn ra ngay sau khi nhà đầu tư nước ngoài này vừa bán xong hơn 1,44 triệu cổ phiếu VNS. Cụ thể, theo báo cáo gửi HoSE, trong ngày 13/12, Tael Two Partners Ltd đã bán ra hơn 1,44 triệu cổ phiếu VNS trong tổng đăng ký bán hơn 6,44 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 6,44 triệu cổ phiếu (9,49% vốn điều lệ) về 5 triệu cổ phiếu (7,37% vốn điều lệ).
Được biết, Tael Two Partners Ltd bắt đầu đầu tư vào hãng taxi của Việt Nam vào tháng 12/2013 khi mà Vinasun phát hành riêng lẻ 3 triệu cổ phiếu với giá 45.000 đồng/cổ phiếu cho Tael Two Partners để tăng vốn điều lệ từ 405 tỷ đồng lên 435 tỷ đồng.
Sau đó, Tael Two Partners tiếp tục mua gom cổ phiếu VNS theo phương thức thỏa thuận tại 2 mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu (3,1 triệu cổ phiếu) và 41.000 đồng/cổ phiếu (2,4 triệu cổ phiếu).
Đến tháng 9/2023, ông lớn nước ngoài này bắt đầu thoái bớt vốn tại Vinasun tuy nhiên nhiều lần thất bại do thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường thấp.
Trong thời gian từ 9/5-8/11, Tael Two Partners bán ra gần 5,8 triệu cổ phiếu VNS, qua đó, giảm sở hữu tại Vinasun từ 18,3% xuống còn gần 9,5%.
Phenikaa Group bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Công ty CP Tập đoàn Phượng hoàng xanh A&A (Phenikaa Group) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, ngày 12/12/2024, Phenikaa Group nhận được Quyết định số 63700/QĐ-CTHN-TTKT7-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục Thuế TP.Hà Nội.
Hành vi vi phạm của công ty là khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp nhưng người nộp thuế đã ghi chép kịp thời, đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
Về Phenikaa Group, tập đoàn này được thành lập vào tháng 10/2010 với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm: Nghiêm Thị Ngọc Diệp (99%), Phạm Hùng (0,5%) và Phạm Thị Thu Hằng (0,5%).
Tháng 2/2017, vốn điều lệ của Phenikaa tăng lên mức 1.600 tỷ đồng và chỉ 10 tháng sau đó, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên mức 2.100 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2019 số vốn điều lệ của Phenikaa là 3.000 tỷ đồng, chi tiết cổ đông không được đề cập.
Hiện tại, doanh nhân Hồ Xuân Năng là Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật của Tập đoàn Phenikaa.
Thiệt hại do lừa đảo trực tuyến năm 2024 lên tới gần 19.000 tỷ đồng
Ngày 16/12, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) công bố báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2024 (khu vực người dùng cá nhân).
Đây là các nội dung nổi bật từ báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện vào tháng 12/2024.
Khảo sát được thực hiện ở khu vực người dùng cá nhân, theo hình thức trực tuyến, từ ngày 28/11 đến 14/12, thu hút trên 59.000 người tham gia.
Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tương ứng tỉ lệ 0,45%. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Số nạn nhân có thể lấy lại được tiền rất nhỏ.
Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng.
Theo chuyên gia của Hiệp hội, việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp. Thứ nhất, việc báo cáo sẽ giúp cơ quan chức năng có thông tin kịp thời để điều tra, thu thập bằng chứng, từ đó tăng khả năng truy bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo.
Việc báo cáo cũng có thể giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt khi cơ quan chức năng can thiệp sớm và phong tỏa được tài sản liên quan.
Ba hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao. 62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, toà án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe doạ phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật. 60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.
Ngoài các kịch bản tinh vi, đối tượng lừa đảo còn sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như: công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc…
Việc ứng dụng công nghệ cao khiến cho nhiều nạn nhân khi tiếp xúc các nội dung giả mạo đã không phân biệt được thật - giả, dẫn tới dễ bị mắc lừa.
"Tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng.
Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại", ông Vũ Ngọc Sơn- Trưởng ban công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, khuyến cáo.
PV
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn