Bản tin kinh tế ngày 24/4/2025
Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế gỡ khó cho 11 dự án BOT giao thông

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho 11 dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thua lỗ. Trong đó, có đề xuất bổ sung quy định cho phép dùng vốn Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác.
Cụ thể, thực hiện kết luận của Chính phủ, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các địa phương rà soát tổng thể các dự án BOT đang gặp khó khăn, xây dựng danh mục gồm 11 dự án có vướng mắc lớn, bao gồm 8 dự án do Bộ quản lý và 3 dự án của địa phương.
Bộ Xây dựng đã tổ chức đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng để thống nhất về giải pháp tháo gỡ (dự kiến bố trí vốn Nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng 6 dự án, bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng 5 dự án), xác định trách nhiệm chia sẻ của các bên và hoàn chỉnh Đề án tháo gỡ vướng mắc dự án BOT giao thông.
Năm 2024, khi soạn thảo Luật PPP (đối tác công tư) sửa đổi, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung hai chính sách, bố trí vốn Nhà nước để chấm dứt hợp đồng sớm và hỗ trợ vốn trong giai đoạn khai thác để tiếp tục hợp đồng. Tuy nhiên, Luật PPP sửa đổi (Luật số 57/2024/QH15) chỉ chấp thuận chính sách đầu tiên, còn chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khai thác chưa được đưa vào luật.
Bộ Xây dựng cho rằng, với các dự án chấm dứt hợp đồng, đã đủ cơ sở pháp lý để triển khai; cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định giá trị vốn Nhà nước và trình cấp có thẩm quyền bố trí vốn thanh toán.
Đối với các dự án cần bổ sung vốn Nhà nước trong giai đoạn khai thác, do Luật PPP sửa đổi chưa quy định, cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc bổ sung vào luật để có cơ sở thực hiện.
Ngày 9/4/2025 Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với NHNN tổ chức họp đàm phán với các bên có liên quan. Kết quả đàm phán đến nay cho thấy, đối với nhóm 5/11 dự án bố trí vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng, cơ bản các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng thống nhất cơ chế chia sẻ rủi ro.
Đối với nhóm 6/11 dự án bố trí vốn Nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng, một số nhà đầu tư đề xuất chỉ giảm một phần lợi nhuận; tất cả các tổ chức tín dụng đề nghị không hồi tố khoản lãi vay nhà đầu tư đã thanh toán cho ngân hàng, giảm một phần lãi vay, chưa phù hợp với Thông báo số 270/TB-VPCP.
Đáng chú ý, Chính phủ đã có Tờ trình số 169/TTr-CP ngày 5/4/2025 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025, trong đó có nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu và Luật PPP.
Nếu Luật PPP sửa đổi được bổ sung quy định về vốn Nhà nước hỗ trợ giai đoạn khai thác, Bộ Xây dựng cho rằng sẽ có đủ điều kiện để tháo gỡ vướng mắc không chỉ với 11 dự án hiện tại mà còn với các dự án BOT tương tự trong tương lai.
Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung quy định "vốn Nhà nước tham gia, hỗ trợ dự án BOT giai đoạn khai thác" trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật PPP để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Bộ này cam kết sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để hoàn chỉnh dự thảo Luật, đồng thời tiếp tục cập nhật, hoàn thiện Đề án tháo gỡ vướng mắc và trình Chính phủ xem xét thông qua.
Vinaconex ITC muốn vay công ty mẹ Vinaconex 300 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, MCK: VCR, sàn UPCoM) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc phê duyệt khoản vay của công ty.
Theo đó, Vinaconex ITC muốn vay tối đa 300 tỷ đồng từ Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG, sàn HoSE) với thời hạn vay 12 tháng kể từ ngày giải ngân.
Doanh nghiệp dự kiến vay theo phương thức vay từng lần theo khế ước vay vốn, lãi suất phù hợp với lãi suất cho vay trên thị trường. Biện pháp đảm bảo là nguồn thu từ việc kinh doanh bán hàng tại Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà (tên thương mại dự án Cát Bà Amatina) tại xã Trân Châu, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng do Vinaconex ITC làm chủ đầu tư.
Mục đích vay vốn lần này của Vinaconex ITC nhằm phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Bao gồm nhưng không giới hạn việc thanh toán công nợ cho nhà thầu; các khoản chi hoạt động thường xuyên của công ty; thực hiện các khoản phải nộp (nếu có) cho ngân sách Nhà nước, thanh toán gốc và lãi vay ngân hàng đến hạn khi công ty chưa có dòng tiền… và các khoản chi khác liên quan đến dự án khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina.
Được biết, Vinaconex ITC là công ty con do Vinaconex sở hữu 51% vốn (theo ghi nhận tại thời điểm 31/12/2024).
Trước đó, hồi tháng 12/2024, Hội đồng quản trị Vinaconex ITC cũng đã thông qua nghị quyết vay Vinaconex tối đa 300 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Mục đích vay vốn nhằm thực hiện dự án Cát Bà Amatina, được đảm bảo bằng "nguồn thu từ việc kinh doanh, bán hàng" tại dự án này.
Liên quan đến dự án Cát Bà Amatina, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Vinaconex diễn ra ngày 21/4/2025 vừa qua, Ban điều hành cho biết hiện dự án đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hồ sơ pháp lý.
Dự án được quy hoạch trở thành khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Xanh - Thông minh - Đẳng cấp, bao gồm: 1.300 căn biệt thự đơn lập, song lập, liền kề; các tòa nhà cao tầng hỗn hợp; các tòa căn hộ dịch vụ; khu biệt thự nghỉ dưỡng hạng sang và khu khách sạn bao gồm: các khách sạn mini, các khách sạn 5 sao và các khách sạn siêu cao cấp; các khu vui chơi giải trí trong nhà, ngoài trời, trung tâm thương mại, bến du thuyền và nhiều hạng mục đặc sắc khác.
Vinaconex dự kiến bán một phần dự án Cát Bà Amatina cho đối tác trong năm nay nhằm đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận. Doanh nghiệp cho biết đang đàm phán với đối tác nhưng chưa ký chính thức, kỳ vọng sẽ bán được một phần với số lượng đáng kể trong năm 2025.
Triệt phá đường dây cá độ bóng đá 300 tỷ đồng

Thông tin từ Bộ Công an, ngày 23/4/2025, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và lệnh bắt tạm giam đối với 11 bị can liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng.
Cụ thể, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trực tuyến trên không gian mạng với nhiều đối tượng tham gia, phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố.
Quá trình xác lập chuyên án đấu tranh, Phòng Cảnh sát Hình sự đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Bình và Công an tỉnh Nghệ An, triển khai 7 tổ công tác với hơn 50 cán bộ, chiến sỹ tiến hành triệu tập đồng loạt 11 đối tượng liên quan để làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Các đối tượng gồm: Mai Quang Tuấn (SN 1990), Đoàn Trọng Thái (SN 1988), Đoàn Trọng Thắng (SN 1985), Mai Anh Tuấn (SN 1985), đều trú tại TX. Ba Đồn; Lê Anh Dũng (SN 1985), Bùi Quang Tiền (SN 1996), Tạ Quang Tiến (SN 1983), Lê Trung An (SN 1985), Lê Xuân Bình (SN 1984), Trần Quốc Giáp (SN 1994), đều trú tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình và Lê Huy Hùng (SN 1995, trú tại phường Trung Đô, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An).
Qua đấu tranh, xác định các đối tượng tổ chức đánh bạc đã quản lý tài khoản cấp siêu tổng sau đó chia ra thành nhiều tài khoản cấp Master, giao cho nhiều đối tượng trên địa bàn và các đối tượng ngoại tỉnh để hoạt động tổ chức đánh bạc và thực hiện hành vi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet.
Bước đầu xác định tổng số tiền đánh bạc trong đường dây này là trên 300 tỷ đồng.
Hiện Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng chuyên án.
PV
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn