Bản tin kinh tế ngày 9/1/2025
Hoa Thanh Long bị xử phạt do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin
Ngày 8/1/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin, đơn vị này đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Thanh Long (Địa chỉ: U31, đường số 6, Khu đô thị mới Hưng Phú, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).
Cụ thể, Hoa Thanh Long bị phạt tiền 92,5 triệu đồng theo quy định tại Điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do có hành vi vi phạm hành chính.
Theo quyết định của UBCKNN, doanh nghiệp không gửi nội dung công bố thông tin (CBTT) cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2020, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2021, BCTC bán niên 2021, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2021, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021, BCTC năm 2021, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021, BCTC bán niên 2022, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2022, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2022, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022, BCTC nǎm 2022, Tình hình thực hiện cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu nǎm 2022.
Ngoài ra, Công ty cũng gửi nội dung CBTT cho HNX không đúng thời hạn các tài liệu: Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2022, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền từ phát hành trái phiếu được kiểm toán bán niên 2023, Báo cáo tình hình thực hiện cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên 2023, BCTC bán niên 2023, Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu bán niên 2023.
Vietcombank triệu tập ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung thành viên HĐQT
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB, sàn HoSE) vừa phê duyệt công tác chuẩn bị họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2025.
Theo đó, đại hội dự kiến diễn ra vào sáng Thứ Sáu ngày 7/3/2025, tại hội trường Tòa nhà VCB Tower, số 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngày cuối cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường là ngày 4/2/2025.
Nội dung đại hội sắp tới liên quan đến công tác nhân sự. Theo đó, đại hội sẽ thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 theo Đơn đề nghị nghỉ hưởng chế độ hưu trí đồng thời bầu bổ sung thành viên HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
ĐHĐCĐ bất thường sắp tới của Vietcombank sẽ thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 của ông Nguyễn Mỹ Hào để nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/11/2024.
Được biết, ông Hào giữ chức vụ Thành viên HĐQT Vietcombank từ năm 2017 đến nay.
Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường diễn ra hồi tháng 8/2024 đã bầu bổ sung ông Nguyễn Tuấn Anh làm Thành viên HĐQT, đồng thời bầu thêm 3 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.
Trong diễn biến khác, cuối tháng 11/2024, Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền 20.690 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.
Triệt phá đường dây lập công ty 'ma' mua bán trái phép hóa đơn
Thông tin từ Bộ Công an, ngày 8/1/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng về hành vi mua, bán trái phép hoa đơn. Các đối tượng này đã dùng thủ đoạn mua căn cước công dân của người dân để thành lập các công ty, doanh nghiệp "ma", thực hiện mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống để trục lợi bất chính.
Các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Lê Thiện Nhật Thi (SN 1989), Lò Ái Nhi (SN 1991) cùng trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM; Trần Vinh Sơn (SN 1988), trú tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tô Diễm Xuân (SN 1994), trú tại huyện Phong Điền, TP.Huế về hành vi mua bán trái phép hoá đơn.
Theo kết quả điều tra, đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng do Lê Thiện Nhật Thi cầm đầu đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống.
Từ năm 2022 đến nay, Lê Thiện Nhật Thi, Lò Ái Nhi, Trần Vinh Sơn, Diễm Xuân và một số đối tượng khác đã xuất bán hơn 20 ngàn hóa đơn giá trị gia tăng cho các công ty, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng là hơn 10 ngàn tỷ đồng, tổng số tiền hàng hóa sau thuế ghi trên hóa đơn khoảng 2.150 tỷ đồng, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Đức, Trưởng Công an thành phố Gia Nghĩa, vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, trong đó có các đối tượng mua hoá đơn trái phép của các đối tượng này.
Qua điều tra cho thấy, nhóm đối tượng này dùng thủ đoạn là mua căn cước công dân của người dân rồi về sử dụng để thành lập các công ty, doanh nghiệp "ma" để thực hiện mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống, chủ yếu là hóa đơn các mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi và đá, làm thất thu ngân sách nhà nước và thu lợi bất chính số tiền lớn.
Quá trình điều tra, Công an TP.hố Gia Nghĩa đã thu giữ hơn 80 mẫu hộp dấu của các công ty "ma", hơn 70 căn cước công dân để sử dụng vào việc thành lập công ty, trên 120 hồ sơ thành lập công ty "ma", 8 điện thoại; 3 bộ máy tính, máy in, máy móc các loại và các tài liệu liên quan đến việc mua bán hoá đơn giá trị gia tăng.
HDBank AMC 'hút' thành công 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu
Ngày 8/1/2025, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đăng tải văn bản của CTCP Mua bán nợ và Quản lý Tài sản HDBank (HDBank AMC) công bố kết quả chào bán trái phiếu.
Theo đó, ngày 31/12, HDBank AMC đã hoàn tất phát hành 20.000 trái phiếu HDQ12402, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương đương giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng, lãi suất phát hành là 11%/năm.
Lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng, dự kiến đáo hạn vào 31/12/2029.
Theo dữ liệu trên HNX, đây là lô trái phiếu thứ 2 mà HDBank AMC phát hành trong năm 2024. Trước đó, ngày 21/2/2024, doanh nghiệp này phát hành 1.000 tỷ đồng lô trái phiếu HDMCH2328004 cũng với kỳ hạn 60 tháng, dự kiến đáo hạn vào 21/2/2029.
Theo tìm hiểu, HDBank AMC hoạt động chính là chủ động xử lý các tài sản đảm bảo nợ vay thuộc quyền định đoạt của HDBank theo các hình thức như tự tổ chức bán công khai trên thị trường; bán qua trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; bán cho công ty mua bán nợ của Nhà nước theo quy chế mua, bán nợ, hoặc mua bán nợ tồn đọng của các tổ chức tín dụng khác... theo quy định của pháp luật.
Tháng 3/2022, HDBank AMC tăng mạnh vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Dynamic & Development góp 800 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 80%; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Flex góp 180 tỷ đồng, sở hữu 18% cổ phần; 2% còn lại thuộc sở hữu của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Theo đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 8/2023), ông Nguyễn Thế Quang (SM 1983) là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật.
PV
Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn