Bancassurance vẫn chưa qua "biến cố"

Siết chặt bancassurance

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm; trong đó, sẽ thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam).

Theo ông Phớc, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn, cần chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh. Bộ Tài chính đã nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền bổ sung nhiều quy định pháp luật nhằm kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh của thị trường, tăng cường tính minh bạch thông tin và bảo vệ tốt hơn người tham gia bảo hiểm, trong đó có việc bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ép” mua bảo hiểm qua ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư như các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích rõ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng. Việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức tín dụng hoạt động đại lý, tức không “ép” mua bảo hiểm.

Năm 2023 có thể xem là năm nhiều biến cố với ngành bảo hiểm, đặc biệt là với kênh bancassurance, khi hàng loạt khách hàng phản ánh về việc bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng, hoặc bị “hô biến” sổ tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ… Những vụ việc này đã gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người dân với doanh nghiệp bảo hiểm cũng như kênh phân phối này. Thu nhập từ mảng bancassurance của nhiều nhà băng theo đó lao dốc.

Tại MB, vài năm trước, doanh thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng rất nhanh và đóng góp không nhỏ vào bức tranh lợi nhuận chung của Ngân hàng. Từ mức doanh thu 1.800 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2017, mảng này đã đem về hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu cho MB trong năm 2022. Tuy nhiên, sang năm 2023, mảng này đã ghi nhận doanh thu giảm 19%. MB hiện sở hữu hai công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm là MIC, với tỷ lệ nắm giữ 68,37% cổ phần và MB Ageas (MBAL), với 61% cổ phần.

Không nằm ngoài xu hướng chung, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm trong năm qua của SeABank thậm chí còn giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng.

Tương tự, thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm của VIB cả năm 2023 chỉ đạt 879 tỷ đồng, giảm 32% so với mức hơn 1.300 tỷ đồng trong năm 2022. Lãi thuần nhà băng này nhận được từ hoa hồng bảo hiểm sau khi trừ chi phí còn hơn 776 tỷ đồng, giảm gần 33%. TPBank thì “bốc hơi” gần 57% doanh thu dịch vụ bảo hiểm so với năm 2022, chỉ đạt hơn 377 tỷ đồng từ mảng này trong năm qua. Doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm trong năm 2023 của Techcombank chỉ đạt hơn 667 tỷ đồng, giảm tới 62% so với năm 2022...

Năm 2024, bên cạnh khó khăn từ cuộc khủng hoảng niềm tin, mảng phân phối sản phẩm bảo hiểm của các ngân hàng được nhìn nhận sẽ bị ảnh hưởng lớn từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có nội dung cấm ngân hàng bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Các chuyên gia MBS Research nhận định, với quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, hoạt động bancassurance sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, điều này khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019 - 2021 và cần thời gian dài để phục hồi, đặc biệt với nhóm ngân hàng có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập lãi ngoài cao như VIB, ACB…

Khó phục hồi trong ngắn hạn

Doanh thu dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank năm 2023 giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng.

Chính ngân hàng cũng thừa nhận, khó kỳ vọng mảng kinh doanh bảo hiểm hồi phục trong năm nay. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MB cho hay, dự báo công ty tài chính tiêu dùng, bảo hiểm thuộc MB sẽ còn khó khăn.

MB đã điều chỉnh chiến lược hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2024. Theo đó, động lực cho kế hoạch lợi nhuận hơn 28.800 đồng trong năm nay được MB đặt vào mảng bán lẻ, SME, ngân hàng số...

Nhìn nhận về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2024, TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, lãi suất huy động tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng đang dưới mức 5%/năm hậu thuẫn cho biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng tăng lên. Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng, do thị trường bất động sản trầm lắng và ngân hàng khó xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Trong khi mảng tín dụng - mảng kinh doanh chính của các ngân hàng đang gặp khó khăn thì nguồn thu ngoài lãi cũng bị ảnh hưởng, do hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng bị siết lại.

Từ góc nhìn của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua xuất hiện nhiều gian dối, gây mất niềm tin đối với khách hàng, vì vậy, thu nhập từ hoạt động này ở các ngân hàng đã chậm lại từ trước khi luật mới được thông qua.

Theo luật sư Đức, việc ngân hàng bán chéo bảo hiểm là tất yếu, song phải công khai, minh bạch, rõ ràng và trên tinh thần tự nguyện, phải làm thế nào để nhân viên tư vấn đúng sản phẩm, không trục lợi từ bảo hiểm, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo. Quy định mới sẽ giúp ngăn chặn việc nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ, khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng, hay phải mua bảo hiểm khi muốn vay vốn - điều thường xảy ra thời gian qua.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, doanh thu từ bancassurance có thể sẽ được cải thiện khi niềm tin của khách hàng hồi phục. Tuy nhiên, theo quan điểm của vị chuyên gia này, không nên để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm như hiện nay. Thay vào đó, ngân hàng chỉ đóng vai trò là đơn vị giới thiệu khách hàng, còn việc tư vấn, bán bảo hiểm phải do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.

Trong khi đó, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu dịch vụ tài chính, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá, bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) sau khi suy giảm mức trung bình 50 điểm cơ bản trong năm 2023 sẽ có sự hồi phục nhẹ khoảng 20 - 30 điểm cơ bản trong năm nay. Đối với các hoạt động thu phí cũng có sự tăng trưởng nhất định so với năm ngoái, với sự hồi phục nhẹ từ mảng bancassurane.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn