Bank - chứng - thép giúp thị trường hồi phục, cổ phiếu APH bị bán tháo

Thị trường duy trì trạng thái rung lắc nhẹ trong suốt cả phiên giao dịch sáng ngày 23/8 và với áp lực bán dù không quá lớn nhưng diễn ra trên diện rộng đã khiến VN-Index tạm khép lại với mức giảm nhẹ. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu trụ cột là bank – chứng – thép đều tạo sức ép lên thị trường bởi sắc đỏ chiếm áp đảo.

Bước sang phiên giao dịch chiều, quán tính giảm tiếp tục, chỉ số VN-Index phần lớn thời gian vẫn giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm không quá lớn nhờ lực cầu hỗ trợ. Điểm tích cực chính là khoảng thời gian ngay trước khi bước vào đợt giao dịch khớp lệnh ATC. Lực cầu hấp thụ gia tăng đã giúp thị trường đảo chiều khởi sắc, đặc biệt là pha “quay xe” của bộ 3 nhóm trụ cột chính.

Dù khép lại phiên cuối tuần với sắc xanh và thanh khoản cải thiện so với phiên trước đó, nhưng mức tăng cả về điểm số và giao dịch còn khá hạn chế, cùng bối cảnh thị trường chung với số mã giảm điểm chiếm ưu thế, cho thấy tâm lý thị trường vẫn cảnh giác cao độ khi VN-Index đang tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 172 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng 2,54 điểm (+0,2%) lên 1.285,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 724,9 triệu đơn vị, giá trị 16.839,3 tỷ đồng, tăng 5,5% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 89,17 triệu đơn vị, giá trị 2.583,25 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng gần 2,6 điểm, với 13 mã tăng và 8 mã giảm. Trong đó, BVH tăng mạnh nhất là 3,3%, còn lại các cổ phiếu khác biến động tăng giảm trong biên độ trên dưới 1%. Cổ phiếu GVR là động lực lớn nhất khi đóng góp 0,65 điểm cho chỉ số chung, kết phiên tăng 1,9% lên mức giá cao nhất trong ngày 33.600 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền chảy mạnh đã giúp nhiều mã nóng bất động sản khởi sắc trở lại như NVL tăng 2,3%, DIG tăng 2%, DXG và PDR đều tăng nhẹ hơn 0,5%, với thanh khoản trong khoảng 10-30 triệu đơn vị, đặc biệt là NVL dẫn đầu thị trường với 28,52 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, cổ phiếu APH bị bán tháo và đã giảm 7%, kết phiên tại mức giá sàn 7.630 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, bộ 3 nhóm bank – chứng – thép đều đảo chiều hồi phục. Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngoại trừ VND và VIX đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc, đáng kể là HCM tăng 2,68% với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường đạt hơn 21,1 triệu đơn vị; các mã SSI, CTS và FTS cùng tăng quanh mức 1,5%.

Ngoài HCM, các cổ phiếu khác trong ngành cũng giao dịch sôi động như VIX chỉ thua NVL với khối lượng khớp lệnh đạt 28,5 triệu đơn vị, SSI khớp gần 16 triệu đơn vị, VND khớp 12,16 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thép cũng đồng loạt tìm tới mức giá cao nhất ngày, như HPG tăng 1,2% lên mức 26.050 đồng/CP và khớp 22,4 triệu đơn vị, HSG tăng 2,2% lên mức 21.200 đồng/CP và khớp 14,31 triệu đơn vị, NKG tăng 3% lên 22.150 đồng/CP và khớp 7,4 triệu đơn vị.

Dòng bank vừa chớm xanh nhờ các mã CTG tăng 1%, các mã khác như BID, MBB, STB, ACB chỉ tăng nhẹ, trong khi EIB, VCB, SHB, VIB đứng giá tham chiếu.

Trên sàn HNX, thị trường sớm tìm lại sắc xanh ngay khi mở cửa phiên chiều và tiếp tục có phiên tăng khá tốt nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu HNX30.

Đóng cửa, sàn HNX có 74 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 1,6 điểm (+0,67%), lên 240,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 64,92 triệu đơn vị, giá trị 1.205,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,48 triệu đơn vị, giá trị 113,35 tỷ đồng, trong đó riêng GKM thỏa thuận hơn 2,7 triệu đơn vị, giá trị 105,87 tỷ đồng.

Cổ phiếu VGS đã hòa vào nhóm thép khi đóng cửa tăng 4,2% lên mức giá 37.400 đồng/CP và khớp lệnh 1,52 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đồng loạt khởi sắc, với SHS tăng nhẹ 0,6% và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 10,2 triệu đơn vị, MBS tăng 0,7% và khớp 3,13 triệu đơn vị, BVS tăng 0,8% và khớp hơn 1 triệu đơn vị…

Bên cạnh đó, nhiều mã bất động sản diễn biến tích cực hơn với IDC, CEO, DTD đều đảo chiều thành công và đóng cửa cùng tăng 1-1,5%. Trong đó, CEO khớp lệnh đạt gần 8,3 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHS về thanh khoản.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bộ 3 cổ phiếu nhà APEC vẫn giữ sắc xanh, với IDJ và TIG cùng tăng khoảng 1,5%, API tăng 3,5%, với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị. Trong đó, điểm sáng mới là DL1 bất ngờ đảo chiều tăng vọt và khép lại trong sắc tím với mức tăng hết biên độ 9,2%, khớp lệnh đạt hơn 3,2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù diễn biến cũng tích cực hơn về cuối phiên nhưng UPCoM-Index chưa đủ sức để thoát hiểm thành công.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,09%) xuống 94,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 44,77 triệu đơn vị, giá trị 511,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,03 triệu đơn vị, giá trị 34,83 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí là BSR và OIL vẫn giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, BSR giảm 0,8% và thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh; còn OIL giảm 1,9% xuống mức 15.400 đồng/CP và khớp 2,72 triệu đơn vị.

Trái lại, cặp đôi thép đều khởi sắc, với TVN tăng 1% lên mức giá cao nhất trong ngày 9.900 đồng/CP và khớp 1,28 triệu đơn vị; trong khi TIS tăng 6,9% lên mức 6.200 đồng/CP và khớp gần 0,4 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai đều biến động nhẹ với 3 mã tăng và 1 giảm, trong đó VN30F2409 đáo hạn gần nhất tăng nhẹ 1,1 điểm, tương đương +0,1% lên 1.315,3 điểm, khớp lệnh gần 182.560 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.850 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CHPG2405 có thanh khoản tốt nhất, đạt 4,77 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 160 đồng/cq; tiếp theo là CVRE2403 khớp lệnh hơn 2,5 triệu đơn vị, cũng đóng cửa tại mốc tham chiếu 170 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn