Sau 2 phiên giao dịch ảm đảm cuối tuần qua khi chỉ số VN-Index xuyên qua các vùng hỗ trợ mạnh và thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí giảm mạnh về mức thấp nhất trong gần 2 năm, thị trường tiếp tục duy trì giao dịch kém tích cực trong phiên sáng nay ngày 13/1. Trong khi lực cầu vẫn thận trọng quan sát, áp lực bán trên diện rộng tiếp tục khiến thị trường duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên sáng, thậm chí giảm sâu hơn về cuối phiên khi lực bán gia tăng với sức ép chính là nhóm cổ phiếu bluechip.
Bước sang phiên chiều, giao dịch có chiều hướng tiêu cực hơn khi chỉ trong ít phút mở cửa, VN-Index đã chạm mốc 1.220 điểm. Khi thị trường đã sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho một phiên giảm điểm mạnh, thì lực cầu bất ngờ gia tăng với tâm điểm là bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, đã trở thành động lực chính giúp VN-Index quay xe hồi phục thành công.
Thị trường khép lại với mức tăng hơn 5 điểm và thanh khoản có cải thiện, nhưng diễn biến chưa thể giúp nhà đầu tư vững tin hơn bởi cả mức tăng về điểm số và thanh khoản còn khá mong manh. Rất có thể đây chỉ là một phiên hồi phục kỹ thuật sau 2 phiên giảm về vùng hỗ trợ mạnh trước đó, nhưng diễn biến tích cực hơn của các nhóm cổ phiếu trụ cột đã phần nào khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm tìm lại điểm tựa để khởi sắc.
Chốt phiên, sàn HOSE chỉ có 206 mã tăng và tới 191 mã giảm, VN-Index tăng 5,17 điểm (+0,42%) lên 1.235,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 519,7 triệu đơn vị, giá trị 12.119 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng và 7,87% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 10/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 85,67 triệu đơn vị, giá trị 2.831,9 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cùng chiều với thị trường chung khi đóng cửa tăng hơn 5 điểm, với 18 mã tăng và 7 mã giảm. Trong đó, PLX vẫn là mã tăng tốt nhất đạt 2,1%, còn lại tăng trên dưới 1%, nhưng cặp VCB và TCB có đóng góp lớn nhất với hơn 1,5 điểm cho chỉ số chung, tương ứng tăng 0,5% và 1,7%. Ngược lại, chỉ duy nhất VPB giảm 1,1%, các mã khác chỉ giảm quanh mức 0,5%.
Xét về nhóm ngành, tâm điểm của thị trường chính là sự hồi phục của bộ 3 trụ cột lớn bank – chứng – thép. Cụ thể, trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ VPB, OCB và NAB chưa thoát khỏi sắc đỏ, cùng SHB, MSB, TPB đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc, với TCB, MBB và EIB tăng tốt nhất đều đạt hơn 1%. Cổ phiếu HDB kết phiên tăng nhẹ 0,5% với thanh khoản đứng thứ 2 thị trường, đạt hơn 14,7 triệu đơn vị khớp lệnh và được khối ngoại mua ròng hơn 3,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm chứng khoán sắc xanh cũng nở rộ với HCM đảo chiều tăng 2,4%, SSI, VCI đều tăng 1,9%, CTS tăng 2,5%, AGR, VDS, VND… tăng nhẹ, FPS và ORS tiếp tục nới rộng biên độ với mức tăng lần lượt 3,42% và 4,5%. Ngoại trừ duy nhất VIX vẫn điều chỉnh nhưng mức giảm chỉ còn 0,9%, đóng cửa đứng tại mức giá 9.120 đồng/CP, thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với gần 17,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong nhóm cổ phiếu thép, HPG dù không giữ được mức giá cao nhất trong ngày nhưng kết phiên vẫn tích cực khi tăng 1,4% lên mức 25.900 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 3 với 13,58 triệu đơn vị khớp lệnh; trong khi HSG tăng 1,5% lên mức giá cao nhất trong phiên là 17.400 đồng/CP; còn NKG vẫn giảm nhẹ 0,4%
Các nhóm cổ phiếu khác như bảo hiểm, bất động sản, vận tải… cũng đều đảo chiều hồi phục.
Trên sàn HNX, nhận “tín hiệu” từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng đảo chiều thành công và tăng nhẹ về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 66 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,06%) lên 219,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,72 triệu đơn vị, giá trị gần 690 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,14 triệu đơn vị, giá trị 146,77 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng đua nhau khởi sắc. Bên cạnh SHS đã tìm lại mốc tham chiếu với giao dịch sôi động nhất khi có hơn 7,7 triệu đơn vị khớp lệnh, các mã khác như MBS tăng 1,9% và khớp 2,22 triệu đơn vị, VFS tăng 0,6% và khớp 1,13 triệu đơn vị, BVS tăng 3,6% lên mức giá cao nhất trong phiên, đặc biệt là HBS vẫn giữ vững đà tăng trần…
Bên cạnh đó, các cổ phiếu năng lượng đều nới rộng đà tăng, với PVS tăng 1,9% lên mức giá cao nhất trong phiên là 32.600 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị, PLC tăng 4,2%, PVC tăng 1%...
Ngoài ra, trong rổ HNX30, nhiều cổ phiếu tìm lại sắc xanh cũng đã hỗ trợ đà hồi phục của thị trường chung như IDC, HUT, NTP… đều tăng nhẹ.
Trên UPCoM, không nằm ngoài xu hướng chung, chỉ số UPCoM-Index đã đảo chiều hồi phục sắc xanh thành công.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,08%) lên 92,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,96 triệu đơn vị, giá trị gần 300 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 11,5 triệu đơn vị, giá trị gần 313 tỷ đồng.
Cổ phiếu HNG vẫn có giao dịch vượt trội trên thị trường với hơn 6,5 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, nhưng kết phiên chưa thoát khỏi sắc đỏ với mức giảm 3,9% xuống mức 7.300 đồng/CP.
Trong khi đó, cặp đôi nhỏ khác là HBC và OIL có thanh khoản trên dưới 1,5 triệu đơn vị, lần lượt đóng cửa tăng 1,5% và 2,4%.
Điểm sáng là cổ phiếu MFS vẫn giữ đà tăng 14,9% lên mức giá trần 42.500 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 0,75 triệu đơn vị và dư mua trần 0,22 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2501 tăng mạnh nhất là 3,9 điểm, tương đương +0,3% lên 1.299,5 điểm, khớp lệnh 181.090 đơn vị, khối lượng mở gần 52.540 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, với CMBB2406 với thanh khoản tốt nhất đạt 3,15 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,5% lên 490 đồng/cq; trong khi CVPB2407 đứng ở vị trí thứ 2 với thanh khoản đạt 2,89 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,2% xuống 300 đồng/cq.