Bảo hiểm thiên tai - Khái niệm còn xa lạ với nhiều người dân
Chỉ 5% người nông dân tiếp cận bảo hiểm thiên tai
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị thiên tai nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với lũ lụt và bão thường cô lập cộng đồng và làm gián đoạn dòng chảy thương mại. Trong hơn hai thập kỷ qua, các sự cố thiên tai như bão, lũ đã gây ra hơn 13.000 ca tử vong và thiệt hại tài sản lên tới hơn 6,4 tỷ USD ở quốc gia này. Hơn 70% dân số có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là người nghèo ở nông thôn và thành thị.
Do vị trí địa lý, Việt Nam rất dễ hứng chịu các cơn bão, đặc biệt ở khu vực dọc theo bờ biển phía Bắc. Tần suất của bão đã tăng lên từ trung bình 5 lên 7 cơn bão kể từ năm 2000. Bão đổ bộ thường kèm theo triều cường và mưa lớn nên gây ra những đợt mưa to kéo dài và gây ngập lụt nặng nề.
Nhà cửa bị tàn phá nghiêm trọng gây sập và tốc mái; nhà cửa, trường học và cơ sở y tế bị ngập nước. Hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu bị tàn phá, hàng triệu gia súc và gia cầm bị chết hoặc bị nước cuốn trôi. Bão đã gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Ước tính thiệt hại do bão là 2,4% GDP trung bình hàng năm.
Số liệu của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2023, trên cả nước xuất hiện 1.145 trận thiên tai (21/22 loại hình). Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như sạt lở đất; mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét; 3 đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung… Tổng cộng, trong năm qua, thiên tai đã làm thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.
Biến đổi khí hậu tương tác với các cơn bão gây nên các nguy cơ như nước dâng do bão. Đây được dự báo là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn sau năm 2050.
Theo đó, các chuyên gia UNDP cho rằng, việc mở rộng cơ hội tiếp cận bảo hiểm thiên tai cho người dân, đặc biệt là nông dân, hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Hữu Dương – đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận (tỉnh Quảng Nam) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia rất nhạy cảm với biến động thời tiết. Tuy nhiên, đáng báo động là chưa đến 5% số người nông dân trên toàn quốc tham gia chương trình bảo hiểm thiên tai.
Trên thực tế, các thiệt hại và tổn thất do thiên tai hầu hết không được bảo hiểm như một hình thức bảo vệ và kết quả là chi phí y tế cũng như thiệt hại về kinh tế do tổn thất tài sản, sinh kế và sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năng lực tài chính hiện tại của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 21% nhu cầu tái thiết và phục hồi khẩn cấp. Trong bối cảnh tài chính công ngày càng hạn hẹp, các giải pháp trên thị trường bảo hiểm cần được tính đến để huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân và giảm gánh nặng cho ngân sách Chính phủ. Tuy nhiên, có rất ít sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai tại Việt Nam. Rủi ro thiên tai thường được các công ty bảo hiểm triển khai như một nội dung rủi ro mở rộng trong bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm nông nghiệp.
Tăng cường tài chính, bảo hiểm thiên tai
Theo các chuyên gia trong ngành Bảo hiểm, thị trường bảo hiểm ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro hơn, đặc biệt rủi ro do thiên tai và điều này gây sức ép lớn hơn lên các hoạt động quản trị rủi ro của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực, nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên cần phải am hiểu rủi ro và đây cũng là cơ sở định hình các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với từng loại rủi ro.
Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, rủi ro thiên tai thực ra không phải là vấn đề quá lo ngại đối với các công ty bảo hiểm Việt Nam, bởi về cơ bản, các loại tài sản có giá trị lớn đều đã được tái bảo hiểm nên tỷ lệ bồi thường của nhà bảo hiểm đối với những tài sản này khi gặp rủi ro thiên tai đã giảm đáng kể.
Hiện nay, tại Việt Nam, loại hình bảo hiểm này bước đầu được một số doanh nghiệp chú trọng, cung cấp sản phẩm bảo hiểm thiên tai, hướng đến người nông dân – đối tượng dễ bị tổn thương nhất do thiên tai.
Mới đây, Tổng CTCP Bảo Minh đã ký kết hợp tác với Công ty Công nghệ bảo hiểm Hillridge (Australia) ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số bão, trang bị công nghệ tham số nhằm bảo vệ người nông dân tại Việt Nam trước thiệt hại do thiên tai và tác động từ biến đổi khí hậu. Sản phẩm có phạm vi bảo hiểm từ 10 triệu đồng đến 75% tổng giá trị tài sản được bảo hiểm.
Trước thách thức ngày càng lớn từ rủi ro thiên tai và khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường khả năng sẵn sàng về tài chính cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đây là một trong những ưu tiên của Chính phủ trong việc bảo vệ thành quả phát triển của Đất nước và hạnh phúc của người dân.
Theo đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) để trở thành thành viên thứ tám của Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) - bao gồm các quốc gia Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore và Nhật Bản và Việt Nam. Việc tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế như SEADRIF sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực và khả năng ứng phó với các tác động thiên tai bằng các công cụ tài chính mới.
Đồng thời, Việt Nam cũng khẳng định vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm cùng với các thành viên ASEAN+3 và các đối tác phát triển trong nỗ lực chung ứng phó với rủi ro thiên tai toàn cầu và khu vực.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn