Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe và những băn khoăn

Trải qua hơn 36 năm, từ ban đầu chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước khi đó là Bảo Việt triển khai, tới nay cả thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và hầu hết đều triển khai loại bảo hiểm này.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì đến hết năm 2023, nước ta có khoảng hơn 6,3 triệu ô tô và hơn 74,3 triệu xe máy các loại. Do bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe theo hình thức bắt buộc nên hầu hết chủ xe ô tô đã mua bảo hiểm. Riêng về bảo hiểm xe máy, vì nhiều lý do khác nhau tới nay, số lượng xe tham gia bảo hiểm còn hạn chế.

Theo quy định của Nghị định 67 thì mức trách nhiệm bảo hiểm về người cao nhất, trong trường hợp tử vong là 150 triệu đồng/người/vụ và về tài sản là 100 triệu đồng/vụ. Bộ Tài chính – cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm, đã ban hành cụ thể mức phí bảo hiểm đối với từng loại xe, có căn cứ vào mục đích hoạt động kinh doanh hay không kinh doanh.

Dù Nghị định 67 đã rất chi tiết và đơn giản các thủ tục mua bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm nhưng vẫn có không ít ý kiến của chủ xe cho rằng, cần đơn giản hơn nữa thủ tục bồi thường từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới: Nhìn từ vụ xe ô tô khách bị vùi lấp tại Hà Giang
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn khắc phục sự cố sau tai nạn. Ảnh tư liệu minh họa

Từ phía các DNBH, theo một chuyên gia về bảo hiểm, cũng không phải đã hết khó khăn khi giám định tổn thất, xác định nguyên nhân tai nạn và giải quyết bồi thường thiệt hại cho chủ xe.

Cụ thể như: Thứ nhất là việc xác định nồng độ cồn. DNBH không có thẩm quyền và trang bị như cơ quan công an để có thể đo nồng độ cồn của lái xe khi xảy ra tai nạn, giám định viên tới hiện trường. Việc yêu cầu lái xe tới cơ sở y tế để đo nồng độ cồn không đơn giản và mất thời gian cho cả 2 bên.

Thứ hai là xác định lỗi của các bên khi xe đâm va nhất là trong trường hợp có nhiều xe trong một vụ tai nạn. Trước đây và ngay cả hiện nay, theo quy định của ngành Công an về quy trình giải quyết tai nạn giao thông, thì ngay khi nhận được thông tin tai nạn, cảnh sát giao thông phải tới hiện trường để giải quyết, xác định nguyên nhân tai nạn. Nhưng theo Nghị định 67, hồ sơ bồi thường chỉ cần bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với người thứ ba và hành khách hoặc trường hợp cần xác minh vụ tai nạn có nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, bao gồm: Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn.

Như vậy chỉ trong trường hợp tai nạn chết người hay lỗi hoàn toàn của người thứ ba thì cảnh sát giao thông mới tới hiện trường. Các trường hợp khác dù lái xe có biểu hiện sử dụng rượu bia nhưng tai nạn chỉ gây tổn thất vật chất thì DNBH tự xử lý.

Theo chuyên gia này, với các quy định kể trên DNBH phải tự xoay sở. Điều này dẫn tới không ít ý kiến của cộng đồng mạng, ảnh hưởng tới DNBH khi phải tự điều tra, xem xét các khía cạnh liên quan đến trách nhiệm của chủ xe trong vụ tai nạn. Ngay cả khi có kết luận của bệnh viện về việc trong hơi thở, trong máu của lái xe có nồng độ cồn khi gây tai nạn, có kết luận của công an, DNBH từ chối bồi thường thì việc tranh chấp cũng bất lợi cho DNBH. Có trường hợp cơ quan xét xử vẫn buộc DNBH phải bồi thường, vì theo kết luận của công an lái xe gây tai nạn do thiếu chú ý quan sát chứ không kết luận là lỗi do sử dụng rượu bia.

Trải qua hơn 36 năm, từ ban đầu chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước khi đó là Bảo Việt triển khai, tới nay cả thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và hầu hết đều triển khai loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

Mục đích của bảo hiểm bắt buộc là nhằm “bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội”. Người bị nạn được bồi thường trong mọi trường hợp, kể cả khi người gây tai nạn cũng bị chết, nên chỉ có hành động của DNBH mới chứng minh được sự cần thiết của loại hình bảo hiểm này và vì sao Nhà nước buộc chủ xe phải mua bảo hiểm.

Nhìn từ vụ tai nạn sạt lở đất tại Hà Giang

Mới đây, vào 4 giờ sáng, ngày 13/7, xe ô tô chở khách 16 chỗ biển kiểm soát 29E-024.89, chở 16 hành khách và xe Innova phía sau, đang lưu thông trên tuyến Hà Giang - Cao Bằng. Khi đi đến km 10+950 thuộc thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, xe đã gặp phải vụ sạt lở đất đá lớn, với chiều dài khoảng 80 m và khối lượng đất đá ước tính khoảng 1.000 m³. Theo cập nhật mới nhất, vụ sạt lở đã khiến 11 người tử vong và 4 người khác bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cán bộ Công ty Bảo hiểm Hàng không Hà Tuyên, thuộc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI), đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Trong quá trình chờ cơ quan chức năng xác minh, làm rõ đối tượng được bảo hiểm vì tại hiện trường ngoài xe 29E-024.89 thì còn có cả xe ô tô 7 chỗ và xe máy cũng có thiệt hại về người, VNI đã phối hợp với cơ quan chức năng thăm hỏi, động viên tất cả các nạn nhân trong vụ sạt lở nêu trên, bao gồm các nạn nhân bị thương và các gia đình có người tử vong, không phân biệt nạn nhân đã đi trên phương tiện nào, phương tiện có tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự hay không.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới: Nhìn từ vụ xe ô tô khách bị vùi lấp tại Hà Giang
Khắc phục sau tai nạn sạt lở đất. Ảnh tư liệu minh họa

VNI Hà Tuyên đã tạm ứng bồi thường lần 1/hỗ trợ hơn 230 triệu đồng cho gia đình và người thân các nạn nhân trong vụ sạt lở đất và đang cùng chủ xe, gia đình những người bị nạn hoàn tất hồ sơ để trả tiền bảo hiểm trong thời gian sớm nhất.

Có lẽ để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe ngày càng đi vào cuộc sồng, chủ xe tự nguyện mua bảo hiểm, vấn đề chính là thái độ phục vụ của DNBH như trường hợp vụ tai nạn đau thương này, không kể tai nạn lớn hay nhỏ.

Được biết 6 tháng đầu năm 2024, VNI trở thành DNBH trong top đầu về bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam.