Bảo vệ quyền lợi cổ đông khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết

Giá và thanh khoản cổ phiếu tụt dốc

Nguyên nhân khiến cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) và cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) bị HOSE thông báo về việc huỷ niêm yết bắt buộc là do doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng.

Cụ thể, Hòa Bình lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp (2.741 tỷ đồng), còn HAGL Agrico thua lỗ liên tiếp trong 3 năm qua, năm 2021 lỗ 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 3.576 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 1.098 tỷ đồng.

“Án” huỷ niêm yết bắt buộc đối với HBC và HNG khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, tháo chạy khỏi 2 cổ phiếu này. Phiên giao dịch 29/7/2024, giá cổ phiếu HBC giảm hết biên độ (7%), từ 7.250 đồng/cổ phiếu xuống 6.750 đồng/cổ phiếu, dư bán hơn 12 triệu đơn vị. Phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu HBC tiếp tục giảm sàn, dư bán hơn 8,4 triệu đơn vị. Trong phiên cuối tháng 7, thanh khoản của cổ phiếu được cải thiện, nhưng giá giảm thêm 7%, đóng cửa tại 5.850 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu HNG giảm sàn trong phiên 29/7, từ 4.660 đồng/cổ phiếu xuống 4.340 đồng/cổ phiếu, dư bán hơn 10 triệu đơn vị; phiên 30 và 31/7, giá cổ phiếu giảm lần lượt 5,5% và 4,6%, xuống 3.910 đồng/cổ phiếu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu thuộc diện bị huỷ niêm yết bắt buộc vì lo ngại sau đó sẽ không thể giao dịch được, không thể chuyển cổ phiếu thành tiền mặt khi cần. Nếu cổ phiếu được cầm cố để vay vốn thì bên bán tháo có thể có thêm bên nhận cầm cố (công ty chứng khoán) nhằm thu hồi vốn vay, do giá giảm dẫn tới giá trị tài sản bảo đảm giảm mạnh. Theo đó, nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu đối mặt với thiệt hại lớn.

Kỳ vọng cổ phiếu sẽ được giao dịch trên UPCoM

Theo ông Nguyễn Thế Minh, doanh nghiệp bị hủy niêm yết vẫn có khả năng tồn tại, các quyền lợi của cổ đông về cổ tức, họp đại hội cổ đông được duy trì, các quyền lợi khác không bị ảnh hưởng, nhưng giá trị cổ phiếu giảm và mất thanh khoản là rủi ro lớn.

“Cách bảo vệ nhà đầu tư đơn giản nhất khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc là doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Khi đó, tài sản của nhà đầu tư vẫn có cơ hội thanh khoản”, ông Minh nói.

Đồng quan điểm, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam cho biết: “Sau khi hủy niêm yết, cổ phiếu thường được doanh nghiệp đưa vào giao dịch tại UPCoM, về cơ bản cũng không khác so với giao dịch trên HOSE, nên nhà đầu tư vẫn còn cơ hội bán ra khi cần chuyển cổ phiếu thành tiền mặt. Mặc dù vậy, giá và thanh khoản có thể không được như khi niêm yết”.

Về phía doanh nghiệp, Hòa Bình cho hay, nhằm đảm bảo quyền lợi giao dịch của cổ đông, Công ty sẽ đưa gần 347,2 triệu cổ phiếu HBC sang giao dịch trên thị trường UPCoM thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến hoàn tất trong tháng 8/2024. Trong quá trình chuyển sàn và sau khi giao dịch trên UPCoM, Hòa Bình cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tổ chức hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư để trực tiếp trao đổi với các nhà đầu tư, chuyên gia chứng khoán và cơ quan truyền thông, giải thích các vấn đề liên quan.

Nhà đầu tư cần có sự lựa chọn kỹ cho danh mục của mình để hạn chế rủi ro.

Nhà đầu tư cần có sự lựa chọn kỹ cho danh mục của mình để hạn chế rủi ro.

Nhà đầu tư cần tự bảo vệ mình

Để hạn chế rủi ro mua phải cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết, ông Đặng Trần Phục khuyến nghị, nhà đầu tư cần tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đầu tư, bởi rủi ro này có thể biết trước.

Điều 120, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định, cổ phiếu của công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra các trường hợp: tổ chức niêm yết huỷ tư cách công ty đại chúng, ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động kinh doanh chính từ 1 năm trở lên, cổ phiếu không có giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng, kết quả sản xuất - kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin...

Ngoài ra, trước khi doanh nghiệp nhận quyết định hủy niêm yết, cơ quan quản lý có các động thái như không cho phép cổ phiếu được giao dịch ký quỹ (margin), đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, hạn chế giao dịch...

“Do đó, kinh nghiệm rút ra ở đây là cần tìm hiểu kỹ về các cổ phiếu mà chúng ta đầu tư, khi có các dấu hiệu rủi ro thì nên tránh để có thể bảo vệ quyền lợi của chính mình”, ông Phục nói.

“Nhà đầu tư cần có sự lựa chọn kỹ cho danh mục của mình. Chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp có tài chính mạnh, bức tranh kinh doanh tốt, nhà đầu tư luôn an toàn”, ông Phục nói thêm.

Về phía cơ quan quản lý, vị chủ tịch AzFin Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh các chương trình phổ cập kiến thức về thị trường chứng khoán, giúp nâng cao hiểu biết cho nhà đầu tư, qua đó giảm thiểu những câu chuyện “đau thương” trong đầu tư, đồng thời siết chặt công tác quản lý đối với doanh nghiệp nhằm phát hiện các doanh nghiệp kém chất lượng và cảnh báo tới nhà đầu tư.

Liên quan đến rủi ro trong đầu tư chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, nhiều nhà đầu tư có tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) nên thường đầu tư theo đám đông vào các cổ phiếu nhỏ, có “sóng”. Với cách đầu tư này, nhà đầu tư đối mặt với rủi ro ở mức cao, bởi các sóng của giá cổ phiếu chủ yếu do yếu tố đột biến của doanh nghiệp, hoặc theo một “game” nào đó. Trong tình trạng giao dịch của thị trường có biên độ, thì khi tin xấu xuất hiện hoặc “game” kết thúc, giá và thanh khoản của cổ phiếu sẽ giảm nhanh, nhà đầu tư không bán được và mắc kẹt cùng những rủi ro. Cổ phiếu của doanh nghiệp mà lãnh đạo doanh nghiệp có động thái mua bán ngắn hạn cũng tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư nên thận trọng.

“Đầu tư cổ phiếu bằng phương pháp cơ bản sẽ giúp nhà đầu tư chọn được cổ phiếu tốt”, ông Minh nói và khuyến nghị, khi thấy cổ phiếu có nền tảng cơ bản mà giá giảm sâu so với giá trị sổ sách thì nên mua vào.

Ngày 1/8/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) đã có công văn phúc đáp tới Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) liên quan đến việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.Tập đoàn Hòa Bình khẳng định không đồng ý với các căn cứ HOSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.

Tập đoàn Hòa Bình mong HOSE xem xét, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định liên quan đến việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu của công ty. Điều này nhằm tạo điều kiện cho Hòa Bình đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển kinh tế, duy trì đảm bảo hoạt động liên tục nhằm làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của HBC với cổ đông cùng các bên liên quan.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn