Các hành vi này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm ảnh hướng lớn tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trần Tuyên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Elite, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Xin chào Luật sư Nguyễn Trần Tuyên!
PV: Thưa Ông, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT hiện nay đang diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Vậy, theo luật sư, căn cứ, cơ sở để xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT ở đây là gì, Ông có thể giúp chúng tôi làm rõ?
Theo quy định của Luật SHTT, bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ theo nhãn hiệu đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Đồng thời, theo Điều 72 của Nghị định 65/2023 hướng dẫn thi hành quy định này của Luật SHTT đã quy định rõ hơn: một hành vi khi có đủ 4 căn cứ sau đây sẽ bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu:
(i) Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi nhãn hiệu đang được bảo hộ của người khác;
(ii) Có yếu tố xâm phạm nhãn hiệu trong đối tượng bị xem xét;
(iii) Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu và không có quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định;
(iv) Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
PV: Vậy, hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT của các cá nhân, tổ chức có thể phải đối diện với trách nhiệm pháp lý gì, thưa Luật sư?
Theo quy định, hành vi xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử lý bằng một hoặc nhiều biện pháp xử lý về hành chính, dân sự hoặc hình sự, cụ thể như sau:
Xử lý bằng biện pháp hành chính: các hành vi bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hoá, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế…) của người khác đang được bảo hộ có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm hoặc tối đa là 500 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm.
Xử lý bằng biện pháp dân sự: chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm có quyền khởi kiện dân sự đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền SHTT đang được bảo hộ độc quyền của mình ra Tòa án để yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây: (i) Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; (ii) Buộc xin lỗi, cải chính công khai; (iii) Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; (iv) Buộc bồi thường thiệt hại; (v) Buộc tiêu hủy hàng xâm phạm quyền.
Xử lý bằng biện pháp hình sự: theo quy định hiện hành (Điều 225 và 226, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017), tổ chức, các nhân có hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và xâm phạm nhãn hiệu phải đối diện với mức phạt tù tối đa đến 3 năm hoặc bị phạt tiền tối đa đến 5 tỷ đồng hoặc tổ chức vi phạm có thể bị phạt Tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 6 tháng đến 2 năm theo quy định.
Pv: Vậy, từ thực tiễn hoạt động và nghiên cứu, theo Ông, liệu còn có hạn chế, bất cập gì trong các quy định pháp luật cũng như thực thi khiến cho tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm SHTT vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, thưa Ông?
Hiện nay, mức xử phạt hành chính về vi phạm SHTT theo đánh giá của cá nhân tôi còn tương đối thấp, cụ thể là mức phạt tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng và 500.000.000 đồng đối với tổ chức.
Bên cạnh đó, các chủ thể quyền khó thu thập bằng chứng xác định, chứng minh thiệt hại thực tế để bồi thường thiệt hại theo quy định tố tụng nếu khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại tại tòa án. Chưa kể, thủ tục thi hành bản án và quyết định của tòa án phức tạp, thời gian dài và hiệu quả chưa cao;
Ngoài ra, hiện nay, chủ sở hữu quyền cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm vì hiện có tới 5 cơ quan cùng có thẩm quyền thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, gồm Thanh tra chuyên ngành (văn hóa và Khoa học công nghệ, thông tin truyền thông), Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, UBND (cấp tỉnh, huyện), Tòa án;
Việt Nam chưa có Tòa án chuyên trách Sở hữu trí tuệ chuyên xét xử các vụ kiện xâm phạm, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung, tranh chấp về nhãn hiệu nói riêng nên thời gian xét xử các vụ kiện này bị kéo dài và chất lượng xét xử chưa đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu quyền và xã hội. Hơn nữa, số lượng cơ quan giám định xâm phạm sở hữu công nghiệp, quyền tác giả còn ít (01 cơ quan giám định sở hữu công nghiệp và 01 cơ quan giám định quyền tác giả) cũng là một trong những hạn chế, bất cập trên thực tế.
PV: Vậy, để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, Ông có đề xuất, khuyến nghị gì cho các bên, thưa Luật sư?
Để ngăn chặn tình trạng này, cần sự quyết tâm và hành động một cách đồng bộ chủ động, tích cực từ nhiều phía, cụ thể là từ phía doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền SHTT, phía người tiêu dùng và phía các cơ quan thực thi quyền SHTT tại Việt Nam:
Về phía Doanh nghiệp, chủ sở hữu nhãn hiệu có sản phẩm bị làm giả, nhái không nên chủ quan về vấn đề này, cần có biện pháp xử lý nhanh chóng, quyết liệt, triệt để trong việc xử lý hàng giả hàng nhái các sản phẩm của mình nhằm bảo vệ chính doanh nghiệp và quyền lợi khách hàng của mình (người tiêu dùng) và bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật.
Về phía người tiêu dùng, người tiêu dùng cũng không nên vì lợi ích trước mắt mà thỏa hiệp, dung túng cho hiện tượng vi phạm pháp luật này, bằng cách vẫn mua sản phẩm, mà người tiêu dùng hãy vì quyền lợi của chính mình và xã hội về lâu dài, cần lên án, tẩy chay, không mua/ nói không với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.
Về phía các cơ quan thực thi quyền SHTT,cần có kế hoạch, phối hợp đồng bộ, tích cực hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, giám sát hệ thống sàn thương mại điện tử, kinh doanh online tại Việt Nam như: quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành về quyền tác giả và sở hữu công nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ internet trung gian (ISP), cơ quan an ninh mạng, cơ quan thuế, ngân hàng, cảnh sát kinh tế, v.v để có các biện pháp thực thi, xử lý, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trên nền tảng thương mại điện tử và trên thị trường truyền thống, đặc biệt là vào các dịp Tết cuối năm.
Xin cảm ơn Ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!