Bảo Việt báo lãi 742 tỷ đồng, mới rót thêm gần 300 tỷ vào một cổ phiếu ngân hàng
Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt - Mã: BVH) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 12,9%, đạt 742 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Bảo Việt là 617 tỷ đồng. Nếu xét công ty mẹ, doanh thu quý I đạt gần 400 tỷ đồng và lợi nhuận ở mức 291 tỷ đồng.
Theo công bố của Bảo Việt, trong quý I, bảo hiểm phi nhân thọ đem về lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ đóng góp 331 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng 10,9%, dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm.
Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng, tăng 26,5% trong khi Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đạt lợi nhuận 49 tỷ đồng.
Xét công ty hợp nhất, trong quý đầu năm, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức âm 489 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của Bảo Việt ở mức 10.406 tỷ đồng, gần tương đương với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 7.760 tỷ đồng là phí bảo hiểm nhân thọ, phần còn lại là phí bảo hiểm phi nhân thọ. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đã sụt giảm so với cùng kỳ trong khi bảo hiểm phi nhân thọ nhích nhẹ. Doanh thu thuần từ HĐKD bảo hiểm ở mức 9.619 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức hơn 10.107 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi bồi thường bảo hiểm gốc và dự phòng nghiệp vụ.
Tuy nhiên, hoạt động tài chính lại ghi nhận tăng trưởng 14,7%, đem về khoản lãi 2.861 tỷ đồng khi chi phí repo và lãi vay giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, kéo chi phí hoạt động tài chính giảm 37%. Các hoạt động kinh doanh khác, hoạt động khác và lợi nhuận từ công ty liên kết đóng góp không đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của Bảo Việt.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế Bảo Việt tăng trưởng so với cùng kỳ chủ yếu đến từ việc chi phí bán hàng giảm 46,6% xuống 318 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, công ty đã giảm khen thưởng và hỗ trợ đại lý từ 572 tỷ đồng xuống còn 312 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 15,7% do chi phí nhân công, chi phí dịch vụ mua ngoài đi lên.
Mua 283 tỷ cổ phiếu ACB
Tổng tài sản hợp nhất tại 31/03/2024 của Bảo Việt ở mức 234.272 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD), tăng 6% so với cuối năm ngoái. Công ty đã giảm nhẹ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và tăng số dư đầu tư tài chính dài hạn thêm 13,6%.
Cuối quý I, Bảo Việt nắm giữ 3.293 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh (giá gốc), trong đó có 2.613 tỷ đồng là cổ phiếu niêm yết. Công ty nắm giữ 266 tỷ đồng cổ phiếu của Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE - Mã: VNR), 283 tỷ đồng cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB), 369 tỷ đồng cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG), 415 tỷ đồng cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) và 1.259 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết khác. Vào cuối năm ngoái, Bảo Việt chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu ACB nào.
Ngoài ra, công ty còn đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết, chứng chỉ quỹ và các loại trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng ...
Các khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn của Bảo Việt chủ yếu là tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ. Ngân hàng đang có tổng cộng hơn 116.000 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và dài hạn với lãi suất cao nhất là 10,6%/năm.
Trong khi đó, Bảo Việt cũng đang nắm khoảng hơn 82.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ ở nhiều kỳ hạn, với mức lãi suất từ 6,25%/năm đến 7,6%/năm. Ngoài ra, Bảo Việt cũng đầu tư vào một loạt công ty liên doanh, liên kết như BảoViệt Bank, Trung Nam Phú Quốc, Tokio Marine Việt Nam, PLT, Long Việt, Bảo Việt SCIC.
Xem thêm tại vietnambiz.vn