Bất động sản công nghiệp chưa bao giờ hết "nóng"
Công ty CP Tập đoàn Hà Đô vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận về việc cho phép khảo sát, lập quy hoạch dự án Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2 với diện tích gần 100ha gần Khu công nghiệp Cà Ná.
Làn sóng “lấn sân”
Được biết, Hà Đô là chủ đầu tư của nhiều dự án chung cư, khu đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM… Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này thể hiện tham vọng “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Doanh nghiệp này cho biết, trong năm 2024, Hà Đô sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp tại nhiều địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Quảng Ninh… nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tương tự, kế hoạch kinh doanh của Taseco Land trong năm 2024 cũng chú ý đến mảng bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến phát hành cổ phiếu để huy động gần 150 tỷ đồng nhằm phục vụ cho Dự án ở khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III tại Hà Nam.
Mới đây, thông tin Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm.
Tập đoàn Sơn Hà cũng chính thức gia nhập thị trường bất động sản công nghiệp từ năm 2023 khi khởi công khu công nghiệp SHI IP Tam Dương tại Vĩnh Phúc. Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương có quy mô 162 ha, tổng vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng.
Theo đánh giá từ FiinRatings, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ phát triển ổn định nhờ nhu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, các dự án đầu tư công cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, qua đó nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cho liên kết vùng.
Tiềm năng phát triển
Lý giải sức hút của phân khúc này, trao đổi với DĐDN, ông Trương An Dương – Giám đốc khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, qua đó giúp thị trường bất động sản khu công nghiệp sôi động hơn.
“Ngoài lợi thế về môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng (China + 1) khiến Việt Nam trở thành điểm đến công nghiệp thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài để xây nhà xưởng. Cùng với đó, lực lượng tay nghề cao cũng là một thế mạnh khiến các nhà đầu tư chú ý. Với lợi thế nhân công rẻ và dồi dào, ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất có quy mô quốc tế bày tỏ mong muốn đặt nhà máy tại Việt Nam. Tôi cho đây là tiềm năng để ngành bất động sản khu công nghiệp toả sáng. Đặc biệt là khi ba bộ Luật chính thức có hiệu lực sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến pháp lý, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững”, ông Dương chia sẻ.
Cũng theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2024 được thông qua sẽ ảnh hưởng đến giá bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt đối với các dự án chưa hoàn thành pháp lý cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án để nắm bắt cơ hội trước khi Luật chính thức có hiệu lực.
“Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất, quy định này được đánh giá ít nhiều sẽ khiến giá đền bù đất bám sát với giá thị trường. Với bất cứ ngành nghề nào, khi chi phí đầu vào tăng thì cũng đều khiến giá thành tăng theo”, ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc quản lý dự án một KCN tại Bình Dương cho biết.
Do đó, theo ông Minh, sẽ có 2 xu hướng xuất hiện trên thị trường. Một là các chủ đầu tư có năng lực, nguồn tiền sẵn sẽ tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đã có chủ trương đầu tư. Hai là một số doanh nghiệp sẽ hướng đến M&A các dự án đang bị “ngộp” dòng tiền để nắm bắt cơ hội.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn