Bất động sản công nghiệp giữ thăng bằng giữa bão thuế quan

Các khu công nghiệp thế hệ mới đang tích hợp hạ tầng thông minh, hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ và tiện ích đa chức năng để thu hút đầu tư (Ảnh: Lê Toàn)
Các khu công nghiệp thế hệ mới đang tích hợp hạ tầng thông minh, hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ và tiện ích đa chức năng để thu hút đầu tư (Ảnh: Lê Toàn)

Cơ hội để chuyển mình

Trong bối cảnh chính sách thuế quan còn nhiều thay đổi như hiện nay, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc) đã tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt. Công ty xác định tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư, đồng thời mở rộng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu.

“Một số nhà đầu tư tạm dừng kế hoạch để chờ diễn biến đàm phán về thuế quan, nhưng không trả lại đất tại KCN, mà vẫn giữ để phát triển khi điều kiện thuận lợi hơn”, đại diện Công ty Kinh Bắc chia sẻ. Tuần vừa qua, doanh nghiệp này vẫn tiếp một tập đoàn lớn có nhu cầu thuê vài chục héc-ta đất công nghiệp.

Yếu tố đang được các nhà đầu tư quan tâm theo dõi là mức thuế đối ứng đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có tương quan thế nào với thuế đánh vào hàng hóa cùng khu vực. Nếu tương đương hoặc thấp hơn, thì tính cạnh tranh của Việt Nam vẫn duy trì.

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã hoạt động tốt dưới nhiều bối cảnh khác nhau, vì vậy, các nhà đầu tư có thể tập trung vào xu hướng và kế hoạch dài hạn.

- Bà Trang Bùi,   Tổng giám đốc Cushman & Wakefield

Theo Công ty Kinh Bắc, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình  trong sản xuất nguyên phụ liệu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, nhu cầu thuê đất của các nhà máy tại Việt Nam vẫn có triển vọng dài hạn tích cực. Hoạt động của KCN vẫn được duy trì vì khối thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ tăng cường hoạt động.

Tương tự, Tổng công ty IDICO - CTCP đang đẩy mạnh  hoàn thiện pháp lý và thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cho 4 KCN đã được được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm Tân Phước 1 (Tiền Giang), Mỹ Xuân B1 mở rộng (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vinh Quang  (Hải Phòng) và Phú Long (Ninh Bình). Việc triển khai các KCN này sẽ tạo dư địa tăng trưởng lớn trong trung hạn cho IDICO.

Ngoài ra, IDICO tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm các KCN mới tại Ninh Bình, Cần Thơ và nhiều địa phương tiềm năng khác. Tổng công ty đặt mục tiêu phát triển thêm tối thiểu 1.000 ha đất trong trung và dài hạn. Nhà xưởng cho thuê cũng tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng kế hoạch thu hút đầu tư trong bối cảnh các dự án KCN đã hoàn thành phần lớn công tác giải phóng mặt bằng.

IDICO cũng đặt mục tiêu cho thuê lại đất trong năm 2025 đạt 123,4 ha đối với hạ tầng KCN và 33.291 m2 đối với nhà xưởng. Đây là kế hoạch thu hút mới trong năm 2025, không bao gồm các bản ghi nhớ đã ký từ năm 2024 chuyển sang năm 2025.

Với Công ty cổ phần Long Hậu, dù chưa công bố các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhưng Công ty cho biết, thời gian tới sẽ tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại tại Dự án KCN Long Hậu 3 - giai đoạn I nhằm tạo quỹ đất đưa vào kinh doanh cho các năm tiếp theo.

Theo kế hoạch, Long Hậu sẽ nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư Dự án KCN Long Hậu - giai đoạn II mở rộng (90 ha) và KCN Long Hậu - Tân Tập (150 ha); bồi thường giải phóng mặt bằng và  thi công hạ tầng tại Dự án Khu dân cư - Tái định cư Long Hậu 3 (19 ha), đồng thời tiếp tục phát triển sản phẩm nhà xưởng xây sẵn cao tầng (tại KCN Long Hậu 3 - giai đoạn I) và nhà kho cho thuê.

Kế hoạch dài hạn

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản đã có một năm khởi đầu tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, việc Mỹ bất ngờ công bố mức thuế đối ứng phần nào gây tâm lý lo ngại trong ngắn hạn.

Theo vị chuyên gia này, nếu bất động sản công nghiệp chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng, thì Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực nhờ nhiều lợi thế về lực lượng lao động, chi phí sản xuất hợp lý, vị trí địa lý chiến lược và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiệu quả. Điều này củng cố nền tảng phục hồi và phát triển cho ngành bất động sản trong thời gian tới.

Thay vì duy trì mô hình truyền thống, các KCN thế hệ mới đang tích hợp 3 lớp dịch vụ gồm hạ tầng thông minh (IoT, 5G), hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ và tiện ích đa chức năng như trung tâm R&D, khu nhà ở công nhân. Đặc biệt, mô hình nhà xưởng cao tầng giúp tiết kiệm 40% diện tích, cho phép thuê linh hoạt theo module, đã được áp dụng tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh...

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhìn nhận, bất động sản công nghiệp là một khoản đầu tư dài hạn. Việt Nam từ lâu đã định vị mình là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á, nhờ vào vị trí chiến lược và chiến lược “ngoại giao cây tre”, giúp đất nước nhanh chóng tham gia các cuộc đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do.

Hơn nữa, các nhà sản xuất tại Việt Nam đã xây dựng được chuỗi cung ứng chặt chẽ, do đó, kế hoạch đầu tư của họ thường có thời gian dài hơn so với độ trễ của tác động từ chính sách thuế, trong khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng cần ít nhất 3 - 5 năm.

“Nhìn chung, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã hoạt động tốt dưới nhiều bối cảnh khác nhau, vì vậy, các nhà đầu tư có thể tập trung vào xu hướng và kế hoạch dài hạn. Các nhà sản xuất có thể tận dụng những cơ hội tốt hiếm có về bất động sản, áp dụng công nghệ và thu hút lao động, đồng thời tiếp tục thận trọng và quan sát diễn biến đàm phán tiếp theo”, bà Trang nói.

Xem thêm tại baodautu.vn