Bất động sản khó khăn, chủ tịch thu nhập bằng 1/4 năm ngoái
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT nhận thu nhập 482,9 triệu đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng ông nhận lương 160 triệu đồng. Trong quý IV/2022, ông Đạt nhận về gần 2,2 tỷ đồng.
Trước đó quý III/2023, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt nhận mức lương gần 485 triệu đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, ông Đạt nhận gần 162 triệu đồng/tháng.
Thu nhập cao nhất tại Phát Đạt thuộc về ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc. Trong quý IV/2023, ông Vũ nhận thu nhập 1,4 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ là 1,75 tỷ đồng.
Trong khi đó, một số thành viên HĐQT và thành viên ban điều hành không ghi nhận thu nhập trong quý như bà Trần Thị Hường, Phó chủ tịch HĐQT; ông Đoàn Viết Đại Từ, thành viên HĐQT; ông Vũ Kim Điền, Phó tổng giám đốc,…
Trong quý IV/2023, Phát Đạt ghi nhận doanh thu đạt hơn 68 tỷ đồng, gấp hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 282,56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 229,5 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2023, Phát Đạt ghi nhận doanh thu đạt 617,62 tỷ đồng, giảm 58,95% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 682,39 tỷ đồng, giảm 41,2%.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* VHC: CTCP Vĩnh Hoàn công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu đạt hơn 2.399 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 66,34 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, Vĩnh Hoàn đạt doanh thu gần 10.079 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 949,6 tỷ đồng, giảm hơn 52,8% và hoàn thành 94,96% mục tiêu năm (1.000 tỷ đồng).
* ITA: Ngày 19/1, UBCKNN quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (TP.HCM) số tiền hơn 1 tỷ đồng với hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Bà Hạnh là vợ ông Đặng Quang Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo.
* NTL: Theo BCTC quý IV/2023, CTCP Phát triển Đô thị Từ đạt doanh thu 746 tỷ đồng, tăng gấp hơn 10 lần cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 363 tỷ đồng. Lũy kế cả năm đạt 914 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước và 366 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
* C32: Bà Phạm Thị Thu Thủy, cổ đông của CTCP CIC39 đã mua vào 200.000 cổ phiếu C32 trong ngày 8/12. Bà Thuỷ hiện sở hữu 950.000 cổ phiếu, tỷ lệ 6,32%.
* ASM: CTCP Tập đoàn Sao Mai thông qua phương án thoái vốn toàn bộ hơn 1,15 triệu cổ phần sở hữu tại CTCP Đầu tư tài chính & Truyền thông Quốc tế (MIF), với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong quý I/2024.
* TNC: CTCP Khu công nghiệp Hố Nai, cổ đông lớn của CTCP Cao su Thống Nhất đăng ký mua hơn 741.000 cổ phiếu từ ngày 29/1-27/2 theo phương thức thỏa thuận.
* NLG: Ông Trần Thanh Phong, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long đăng ký bán 650.000 cổ phiếu từ ngày 30/1-28/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* HSG: Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hoa Sen đăng ký bán 800.000 cổ phiếu từ ngày 29/1-27/2, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* MPC: Bà Lê Thị Minh Ngọc, con gái bà Chu Thị Bình, Chủ tịch HĐQT Minh Phú đã mua vào gần 1,8 triệu cổ phiếu trong phiên 19/1 bằng phương thức thỏa thuận.
* RDP: Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch HĐQT CTCP Rạng Đông Holding (đã bán ra 500.000 cổ phiếu trong ngày 22/1. Ông Lam còn nắm giữ hơn 17,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 35,46%.
VN-Index
Chốt phiên 24/1, VN-Index giảm 4,53 điểm (-0,38%), xuống 1.172,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 733,19 triệu đơn vị, giá trị 15.507 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,32%), xuống 228,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,98 triệu đơn vị, giá trị 993,2 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,22%) lên 87,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,67 triệu đơn vị, giá trị 458 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán SHS, sau nhịp tăng tiến gần ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm, VN-Index đã điều chỉnh giảm trong hai phiên vừa qua, vận động thường thấy trước các ngưỡng cản.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường đang trong nhịp điều chỉnh trước ngưỡng kháng cự tâm lý đúng như dự báo, trường hợp xấu nhất VN-Index có thể kiểm te lại vùng nền tích lũy nhỏ như thể hiện trên biểu đồ 1.150-1.160 điểm.
SHS cho rằng thị trường sẽ trở lại tích cực sau điều chỉnh và hoàn toàn có khả năng vượt ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm trong thời gian tới.
Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên kế tiếp nhưng đà giảm có thể thu hẹp về cuối phiên và sớm quay trở lại đà tăng. Đồng thời, mức hỗ trợ gần nhất của VN-Index là mức 1.159 điểm.
Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp. Đây chỉ là nhịp điều chỉnh kỹ thuật sau chuỗi tăng kéo dài trước đó. Áp lực điều chỉnh của thị trường có thể xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Xem thêm tại vietnamnet.vn