Bất động sản vùng biên bất ngờ được các 'ông lớn' săn lùng
Những năm qua, thị trường bất động sản Lạng Sơn bất ngờ nổi lên khi được loạt doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi tìm về đề xuất dự án, nghiên cứu đầu tư. Cụ thể, giữa năm 2021, CTCP Tập đoàn Sovico tham gia đầu tư dự án khách sạn - sân golf Hoàng Đồng cùng với CTCP Quốc tế Lạng Sơn.
Năm 2022, dù thị trường đã có những dấu hiệu khó khăn nhất định nhưng bất động sản tại Lạng Sơn vẫn được nhiều doanh nghiệp chú ý, muốn tham gia đầu tư. Cụ thể, tháng 8/2022, liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest, CTCP Tập đoàn Đèo Cả và CTCP Tập đoàn Phú Mỹ đề xuất được nghiên cứu, tham gia đầu tư 4 dự án tại tỉnh Lạng Sơn.
Cụ thể gồm: Khu đô thị mới, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Mai Pha – Yên Trạch (khoảng 45ha tại TP. Lạng Sơn và huyện Cao Lộc), tổ hợp dịch vụ, sân golf, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và đô thị (quy mô 690ha tại TP. Lạng Sơn và huyện Cao Lộc), khu đô thị - logistic quy mô 200ha tại vị trí giáp tuyến đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và khu đô thị Tiên Yên (giáp tuyến đường quy hoạch đi Quảng Ninh).
Một tên tuổi khác là TNG Holdings cũng đã thể hiện mong muốn đầu tư dự án khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Lẩu Xá với quy mô khoảng 45ha.
Nhìn chung trong thời điểm từ 2021-2022, hàng loạt doanh nghiệp khác như Sunshines Home, Midgroup, Viglacera, CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom)...lăm le đầu tư các dự án tại Lạng Sơn. Đồng thời, cũng trong 2022, Sun Group đã khởi công quần thể du lịch, sinh thái cáp treo Mẫu Sơn hơn 7.300 tỷ đồng.
Sang năm 2023, đáng chú ý vào cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn với diện tích 600ha, tổng vốn 275 triệu USD.
Cuối tháng 9/2023, Tập đoàn BGI cũng đã khởi công khu đô thị phía Đông Nam thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) với tổng mức đầu tư 674 tỷ đồng. Cuối tháng 12 vừa qua, An Phú Hưng - công ty con của Phục Hưng Holdings đã khởi công dự án cụm công nghiệp Đình Lập gần 700 tỷ đồng.
Mặc dù bất động sản tại Lạng Sơn đã có sức hút với các doanh nghiệp địa ốc, song mức giá trung bình hiện nay vẫn chưa quá cao. Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã công bố thông tin về thị trường bất động sản trên địa bàn quý 4 và cả năm 2023. Theo đó, tính riêng quý 4, tỉnh Lạng Sơn có 2 dự án bất động sản được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Về lượng giao dịch trong quý, tỉnh ghi nhận 56 giao dịch căn hộ chung cư và 52 ô đất để xây dựng nhà ở theo hình thức phân lô, bán nền. Về giá giao dịch trung bình đối với phân khúc đất nền khoảng 9 triệu đồng/m2; với nhà ở xã hội gần 11,9 triệu đồng/m2.
Tính chung cả năm 2023, tỉnh Lạng Sơn hoàn thành đưa vào sử dụng 217 căn nhà ở xã hội. Khu vực đô thị có 1.200 căn nhà ở; khu vực nông thôn có 2.121 căn. Ngoài ra, địa phương có 601 nhà ở, đất ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
“
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Đông Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Bắc Cạn. Tỉnh thành này có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 231,74km, sở hữu 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, đường sắt Đồng Đăng), 2 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma, Bình Nghi) và 9 cửa khẩu phụ.
Bên cạnh đó, nhờ có sự phát triển mạnh mẽ về hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng cũng đã làm cho bộ mặt của tỉnh Lạng Sơn đang ngày một “thay da đổi thịt” với các công trình giao thông lớn như: cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn); cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) -Trà Lĩnh (Cao Bằng)…
Hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện và nâng cấp khiến cho việc kết nối với các tỉnh kế cận như Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh… không chỉ rộng mở con đường giao thương mà còn mang lại nhiều giá trị lớn về mọi mặt cho toàn tỉnh trong đó có bất động sản.
>> Hà Nội mất vài tỷ USD/năm vì tắc đường, chuyên gia Trung Quốc 'hiến kế' giải pháp
Xem thêm tại nguoiquansat.vn